Không để người có công sống quá khó khăn

ANTĐ - Hôm qua, 13-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người có công

(Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm hỏi người có công

nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27-7)

Báo cáo cho biết, người có công và thân nhân hiện được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Trong đó, tập trung vào một số chế độ như: trợ cấp, phụ cấp hàng tháng; trợ cấp một lần; ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, cải thiện nhà ở, tạo việc làm, miễn, giảm thuế, vay vốn, thuê đất để phát triển sản xuất kinh doanh... Về cơ bản, các chính sách ưu đãi người có công đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng.

Tuy nhiên, một số ưu đãi tuy đã được quy định trong Pháp lệnh nhưng chưa được thực hiện ở một số tỉnh, thành phố do nhận thức chưa đầy đủ hoặc điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Các chính sách ưu đãi về hỗ trợ cải thiện nhà ở, giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp do chỉ quy định chung về nguyên tắc nên việc thực hiện chưa thống nhất giữa các đối tượng người có công trong phạm vi cả nước...

Đáng chú ý, đời sống của một bộ phận người có công còn gặp nhiều khó khăn do không còn sức lao động, không có thu nhập ổn định, sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ giúp họ vượt qua những khó khăn. Một số gia đình có mức sống dưới trung bình. Qua giám sát, đã phát hiện tình trạng chưa thực hiện, hoặc thực hiện không đúng chính sách. Hiện vẫn còn tồn đọng khá nhiều trường hợp đề nghị công nhận liệt sỹ, thương    binh, bệnh binh chưa được   giải quyết. 

Nhiều sửa đổi, bổ sung chính sách đối với người có công đã được Đoàn giám sát của UBTVQH đề xuất. Về lâu dài, cần nghiên cứu ban hành Luật Người có công. Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh các loại và các mức trợ cấp cho phù hợp trên cơ sở mức sống trung bình của toàn xã hội; tiếp tục cho giám định lại thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh khi có vết thương thực thể tái phát; điều chỉnh chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho thân nhân liệt sỹ đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ ngoài nghĩa trang liệt sỹ…

Trăn trở về việc còn nhiều gia đình chính sách vẫn ở nhà cũ nát, mức sống chưa đảm bảo từ trung bình trở lên so với cộng đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tập trung vào một số công việc ưu tiên. Ông chỉ đạo: “Cần làm ngay việc sửa chữa, cải thiện điều kiện ở cho gia đình người có công, làm càng sớm càng tốt, cố gắng hoàn thành ngay trong năm 2012, không để đến tận năm 2015 như dự kiến. Không thể để các gia đình có công phải ở nhà dột nát, đời sống quá khó khăn. Trước mắt, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất: ăn no, mặc ấm, có chỗ ở, được khám chữa bệnh, con cái phải được đi học”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, để xóa nhà dột nát cho người có công, cần kết hợp nhiều nguồn lực, từ ngân sách trung ương, địa phương; huy động từ cộng đồng dân cư và chính bản thân gia đình người có công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thông qua Đề án cụ thể, dành nguồn lực thích đáng cho công việc này; giảm bớt các thủ tục phiền hà trong xác nhận người có công và thực hiện ưu đãi đối với người có công.

Tin cùng chuyên mục