Không dễ mua lại trạm thu phí bán quyền

ANTĐ - Người dân và doanh nghiệp vận tải đã phải đóng “thuế đường” 5 tháng nay. Tuy nhiên, một số trạm thu phí bán quyền vẫn tồn tại gây nhiều bất cập. Trước phản ứng của dư luận, ngành GTVT bàn chuyện mua lại, nhưng đã “trót” bán quyền, nay mua lại cũng không dễ.

Nhiều vụ việc mất ANTT đã xảy ra tại Trạm thu phí Bãi Cháy

Bị hành hung vì thu vé qua trạm

Bộ GTVT đã thực hiện việc chuyển nhượng quyền thu phí cho các nhà đầu tư tại 4 trạm thu phí gồm: Phù Đổng, Hoàng Mai, Bàn Thạch - QL1 và Bãi Cháy - QL18. Thời gian chuyển nhượng là 5 năm, tổng số tiền thu được là 1.099 tỷ đồng. Từ 1-1-2013, Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT xóa bỏ toàn bộ trạm thu phí hiện đang nộp ngân sách nhà nước (19 trạm). Còn, đối với 4 trạm chuyển giao quyền này, Bộ GTVT đã xây dựng phương án xử lý trình Chính phủ theo hướng mua lại các trạm, đảm bảo hài hòa quyền lợi cho các nhà đầu tư, người dân và Nhà nước. Mặc dù đã có phương án mua lại quyền thu phí, nhưng quá trình thương thảo kéo dài, gây ra những phức tạp không nhỏ.

Do đã đóng phí bảo trì đường bộ, nên nhiều doanh nghiệp vận tải khi lưu thông qua một số trạm thu phí không chịu mua vé. Từ tháng 2-2013, Công ty An Sinh (đơn vị quản lý trạm thu phí Bãi Cháy) đã phải có công văn “cầu cứu” Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT sớm giải quyết tình trạng thất thu, mất an ninh trật tự tại đây, đồng thời có phương án xử lý sớm. Lý do, nhiều lái xe qua đây không chịu mua vé. Thậm chí, lái xe còn xếp hàng dài trước trạm thu phí để phản đối, gây mất trật tự giao thông. Bởi vậy, theo đại diện Công ty An Sinh, từ tháng 2 tới nay, trạm thất thoát doanh thu từ 70-80%. Đỉnh điểm của những căng thẳng là ngày 28-4-2013, nữ nhân viên soát vé của trạm đã bị 4 người đi ôtô hành hung vì không cho xe qua, trong khi lái xe không chịu mua vé vì cho rằng “đã nộp phí bảo trì đường bộ”. Vụ việc đang được Công an TP Hạ Long điều tra, làm rõ. 

Ông Trịnh Quang Thông, Giám đốc chi nhánh Công ty An Sinh nhận định, “chúng tôi không làm sai, nhưng những lái xe cũng có lý, họ đã nộp phí bảo trì đường bộ hàng tháng. Trên xe đều dán tem nộp phí bảo trì đường”. Ông Thông đã viết đơn xin từ chức do áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu thu vốn cho Công ty, vừa đảm bảo an toàn cho cấp dưới của mình. 

Sẽ sắp xếp lại trạm phí 

Cũng theo Giám đốc chi nhánh Công ty An Sinh, kể từ 1-1-2013 áp dụng thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện, trạm thu phí Bãi Cháy chưa có một ngày yên ổn, bởi lái xe nhẹ thì gắt gỏng, nặng thì chửi bới, thậm chí húc gẫy cả barie. Bởi vậy, ngay từ khi Quỹ đi vào hoạt động, Bộ GTVT đã thương thảo mua lại quyền thu phí của trạm này. Mặc dù cả hai bên đều đồng tình quan điểm, nhưng vẫn cứ dai dẳng vì chưa thống nhất được phương án tài chính. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, doanh nghiệp thì muốn đạt lợi nhuận cao nhất, còn cơ quan quản lý Nhà nước cũng muốn mua với mức giá có lợi nhất, đảm bảo cho ngân sách. Hai bên chưa thể thống nhất nên sự việc cứ giằng co. Bộ GTVT thì “trót” bán quyền thu phí nay muốn mua lại để xóa bỏ, giảm áp lực dư luận cũng nan giải. Doanh nghiệp cũng không chịu thiệt thòi. 

Bên cạnh sự việc rắc rối tại 4 trạm thu phí trên, hiện cả nước còn không ít trạm thu phí dạng đặt “nhầm” chỗ như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài. Tuyến đường xây dựng một nơi, nhưng trạm thu phí lại đặt một nẻo, gây bức xúc vì phải đóng phí oan. Trạm thu phí Định Quán là một dẫn chứng tương tự. Dù không được hưởng lợi gì từ việc đầu tư dự án mở rộng QL20 (thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng), nhưng người dân và doanh nghiệp làm ăn tại huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) vẫn phải đóng phí đều đặn mỗi khi đi qua trạm thu phí Định Quán.  Lãnh đạo địa phương đã nhiều lần kiến nghị, cần phải di dời, đặt trạm về đúng vị trí… Tại cuộc họp báo chiều 6-5, ông Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, thực tế đang tồn tại tình trạng đường xây một nơi, trạm thu phí đặt một nẻo.  Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ rà soát lại, dần dần sắp xếp các trạm thu phí BOT đúng vào các tuyến đường BOT.