Không để doanh nghiệp FDI nắm “yết hầu” kinh tế

ANTĐ - Phân phối chính là “yết hầu” của nền kinh tế. Một khi khâu này rơi vào tay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nền sản xuất của Việt Nam sẽ bị đe dọa. Nguy cơ bị lấn át từ các nhà bán lẻ nước ngoài đối với bán lẻ trong nước sẽ trở thành hiện thực.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng các kênh phân phối để tránh bị thiệt thòi
Ảnh: Phú Khánh

Nhà bán lẻ trong nước ngày càng hết hơi

Mặc dù chưa đủ căn cứ để khẳng định bán lẻ trong nước “lâm nguy”, nhưng thực tế kinh doanh trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua cho thấy, bán lẻ trong nước đang thua các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi hệ thống cửa hàng lớn của Lotte, hay hệ thống siêu thị BigC, Metro… đón lượng khách hàng tăng so với ngày thường thì các siêu thị “nội” tầm trung như: Hapro, Fivimart… lại khá đìu hiu. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội lý giải: “Các đại siêu thị, siêu thị tổng hợp quy mô lớn của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bán hàng hóa, mà còn kèm theo dịch vụ giải trí, ăn uống… nên hút khách, còn các siêu thị tầm trung trong nước lại khá vắng khách”. 

Theo ông chủ tịch hiệp hội này, có doanh nghiệp bán lẻ khá tên tuổi đã nhiều lần than phiền sẽ phải đóng cửa một số điểm bán hàng vì kinh doanh không hiệu quả, vắng khách. Gần đây một siêu thị cỡ lớn của doanh nghiệp trong nước tại số 102 phố Thái Thịnh phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh nổi. Trong bán kính khoảng 1km, khu vực Thái Thịnh, Tây Sơn (quận Đống Đa) có vài nhà đầu tư nước ngoài mở siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn, hàng hóa phong phú, giá cả hấp dẫn, dịch vụ chuyên nghiệp hơn.

Thị trường Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp kinh tế khó khăn. Với xu thế chung đi xuống trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn “nhỉnh hơn” về lợi thế cạnh tranh. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản AEON khởi công xây dựng khu phức hợp thương mại tại Hà Nội với quy mô dự án khoảng 10ha trong khu Công viên Công nghệ thông tin Hà Nội, thuộc khu công nghiệp Sài Đồng B. Tập đoàn này sẽ khai thác trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng làm việc, khu thể thao. Trước đó, vào tháng 3-2014, Trung tâm thương mại Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng đã hoạt động trở lại tại  tòa tháp Mipec Tower trên phố Tây Sơn với diện tích khoảng 20.000m². Ngoài ra còn có Tập đoàn Central Group (Thái Lan) tại Vincom Mega  Mall  - Royal City… Với sự đầu tư ồ ạt, mạnh mẽ như vậy, doanh nghiệp bán lẻ Việt không tránh khỏi khó khăn.

Đe dọa sản xuất

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm: “Chúng ta hoan nghênh đầu tư nước ngoài nhưng không nên tuyệt đối hóa, càng không nên vì FDI mà ghẻ lạnh doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước xin mãi không được đất bán hàng, nhưng siêu thị nước ngoài được ưu tiên vị trí đẹp, diện tích rộng. Phân phối là khâu yết hầu của nền kinh tế, doanh nghiệp FDI nắm phân phối thì sản xuất của Việt Nam sẽ chết”. Theo vị chuyên gia này, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phản ánh đưa hàng vào hệ thống siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài luôn gặp trắc trở. Khi thì phải “đi đêm”, lúc lại bị giảm hoa hồng, nhà sản xuất có quá ít “cửa” làm ăn.

Trên thực tế, nhà phân phối FDI đe dọa tới nền sản xuất của Việt Nam đã rõ ràng. Minh chứng là trong các siêu thị này, nhãn hàng riêng ngày càng “bành trướng” trên kệ hàng. BigC, Metro đều đã có nhãn hàng riêng rất cạnh tranh với hàng của doanh nghiệp trong nước về giá. Khi bắt đầu triển khai nhãn hàng riêng, các siêu thị đều khẳng định không ảnh hưởng gì đến hàng của các doanh nghiệp khác. Nhưng trên thực tế, hàng đóng dấu nhà phân phối đã có mặt ở những vị trí đẹp trên kệ hàng và có mặt ở tất cả các ngành hàng: thực phẩm tươi sống, thực phẩm, quần áo thời trang, đồ gia dụng… Doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi đã phải lui về nhận làm gia công cho nhãn hàng riêng của nhà phân phối. “FDI làm chủ khâu phân phối sẽ tác động ngược lại sản xuất. Cơ quan quản lý cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến cáo.