Không để doanh nghiệp bất động sản chiếm dụng tiền của dân

ANTĐ - Ngày 24-10, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Không để doanh nghiệp bất động sản chiếm dụng tiền của dân ảnh 1Cần có chế định rõ ràng về góp vốn mua nhà

Ngân sách eo hẹp, cân nhắc nhà công vụ

Ông Phan Trung Lý cho biết, nhìn chung, các ý kiến đều tán thành dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, cũng còn một số quan điểm khác cần phải nêu ra để thảo luận thêm. Đối với vấn đề nhà ở tại các khu phố cổ, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, trên thực tế rất nhiều người dân phàn nàn nhà của họ không được phép cải tạo, sửa chữa vì vướng lý do bảo tồn. Trong khi đó diện tích sống lại chật chội, nhà cửa xuống cấp, dột nát. Do đó nếu cần bảo tồn, trong luật cần phải bổ sung thêm tiêu chí thế nào là nhà văn hóa, bởi nếu cứ quy định chung chung, thủ tục hành chính sẽ làm khó người dân. 

ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn, hiện nay chúng ta đang tồn kho một lượng nhà ở thương mại lớn trong khi nhà ở xã hội lại quá ít. Vì vậy cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, các chủ trương phê duyệt dự án không theo quy hoạch dẫn tới tình trạng này, đồng thời nghiêm cấm việc triển khai dự án ồ ạt dẫn đến lãng phí và mất cân đối. 

Liên quan đến nhà công vụ, các ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) và Nguyễn Tiến Sinh (Thái Bình) cho rằng, khi sửa đổi luật có nên đặt vấn đề phát triển nhà công vụ hay không? Nếu chúng ta mở rộng đối tượng quá thì có thể ngân sách sẽ không kham nổi. Làm nhà cho dân, cho người nghèo thì tốt, nhưng làm nhà cho “quan” thì cần cân nhắc, tính toán kỹ đến đối tượng sử dụng để tránh tình trạng ôm đồm, trong khi khả năng có hạn. Mặt khác, để quản lý chặt chẽ lĩnh vực này thì việc triển khai nhà ở công vụ ở Trung ương cần phải thông qua Quốc hội và ĐBQH. Ở địa phương phải có ý kiến của HĐND. Thậm chí, nếu địa phương đã có nhà ở xã hội rồi, thì cán bộ sẽ sử dụng quỹ nhà đó và Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm một phần kinh phí căn cứ trên mức lương của cán bộ được sử dụng nhà để tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

Nhà nước phải bảo vệ người mua nhà

Xung quanh sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nêu thực trạng: Bất động sản đang tồn kho nhiều chủ yếu do ảnh hưởng từ chính sách của Nhà nước. Luật dành cả Chương 5 để quy định về quản lý bất động sản, nhưng cần quy định rõ hơn vai trò của Chính phủ và địa phương về quản lý, điều tiết, bởi đây là một biện  pháp cân bằng nền kinh tế. Vấn đề nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, nhà tái định cư, nhà ở vùng sâu vùng xa… cũng phải hòa nhập vào thị trường bất động sản nói chung để tránh đầu cơ.

Góp ý về vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư tại một số dự án nhà ở, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phản ánh: Từng xảy ra chuyện người dân góp tiền mua nhà, nhưng chủ đầu tư lại đem làm việc khác dẫn tới dự án đổ bể, thậm chí khá chủ đầu tư đã phải lĩnh án tù. Khi bắt đầu dự án, chủ đầu tư yêu cầu người dân góp vốn theo tỷ lệ phần trăm nhất định, nhưng số tiền đó sử dụng như thế nào người mua không biết, Nhà nước cũng không quản lý được. Do đó, có thể nói luật của chúng ta vẫn còn lỗ hổng, đề nghị sửa đổi luật cần có chế định rõ về góp vốn, mua nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó quy định bắt buộc tiền của người góp vốn mua nhà phải được gửi ở ngân hàng và chỉ được giải ngân khi chủ đầu tư xây dựng công trình mà người dân góp vốn. Bên cạnh đó người góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng thông báo tình hình sử dụng tiền góp của họ. Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ bảo vệ được người dân, tránh tình trạng người dân bị chiếm dụng tiền. Các cơ quan pháp luật cũng tránh được tình trạng phải đi giải quyết khiếu kiện.

Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Thực hiện mục tiêu nhà ở đến với người dân”

2 dự án Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đặt ra những nguyên tắc rất quan trọng như, phải phát triển nhà ở theo quy hoạch, có kế hoạch, nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của Trung ương và địa phương, thay vì tất cả đều phó mặc cho thị trường. 
Mặt khác, Luật nhà ở còn quy định rất rõ ràng là không chỉ phát triển nhà ở thương mại mà phải phát triển cả nhà ở xã hội. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu nhà ở đến với người dân, là một bước để cụ thể hóa nội dung quan trọng của Hiến pháp 2013, đó là “Quyền có chỗ ở của người dân”.

Tin cùng chuyên mục