Xóa bỏ chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè:

Không để dẹp bên này, chạy sang bán bên kia

ANTĐ - Kết thúc “Năm trật tự văn minh đô thị 2014”, thành phố Hà Nội đã giải tỏa được 150 tụ điểm chợ cóc, góp phần giữ gìn trật tự và văn minh đô thị. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, một số chợ cóc phát sinh mới hoặc tái họp. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Hà Nội kiên quyết loại bỏ chợ cóc, chợ tạm.

Không để dẹp bên này, chạy sang bán bên kia ảnh 1Rác thải tràn ra đường, quận Thanh Xuân kiên quyết dẹp bỏ chợ cóc tại các khu đô thị

Nhiều “chiêu” đối phó

Từng là điểm “nóng” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, song chợ cóc tại khu vực cổng Công viên Thống Nhất (phía ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng - Lê Duẩn - Xã Đàn, thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng) nhiều ngày nay đã không còn họp.

Sáng 13-7, đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội về chợ cóc đã đến kiểm tra, khu vực này rất thông thoáng, sạch sẽ. Ông Trần Quốc Tiến (quận Đống Đa) cho biết: “Chợ cóc này đã được giải tỏa nhiều ngày nay. Trước đây, chợ này cản trở giao thông lắm”. Tuy nhiên, đáng chú ý, mỗi lần điểm chợ cóc này được giải tỏa, những người bán hàng lại chạy từ bên này đường sang bên kia đường (là khu đất trống cạnh đường sắt thuộc địa bàn quận Đống Đa) để bán hàng. Sáng 13-7, chợ cóc vẫn họp tại khu đất trống nêu trên. Khi đoàn liên ngành đến nhắc nhở, người bán hàng mới dọn đi.

Tại chợ cóc trên phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân), khi lực lượng chức năng cắm chốt, không cho họp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, một số người kinh doanh đã bày hàng thụt sâu vào trong nhà. Đa số người bán hàng còn lại họp chợ ngay sau bức tường ngăn vỉa hè đường này với khu đất trống bên cạnh. Tình trạng này đã diễn ra nhiều lần và sau khi lực lượng chức năng rút đi, chợ lại họp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trong khi đó, chợ Thượng Đình chỉ cách con phố này vài trăm mét lại “vắng như chùa Bà Đanh”.

Tương tự, chợ Mai Lĩnh (phường Đồng Mai- Hà Đông) cũng không thu hút được người dân vào kinh doanh, trong khi chợ cóc Mai Lĩnh lại lấn chiếm quốc lộ 6, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị nghiêm trọng. Khi lực lượng chức năng phường Đồng Mai nhắc nhở, người dân lại “chạy” sang bên kia cầu, họp dọc quốc lộ 6, đoạn qua địa bàn xã Biên Giang.

Bức xúc trước tình trạng chợ cóc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ông Nguyễn Phí (nhà số 41, ngách 27 Phố Vọng) kiến nghị: “Thành phố cần dẹp bỏ ngay các chợ cóc, chợ tạm vì quá mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Người dân đi đến chỗ nào cũng thấy chợ, rất mất trật tự. Chúng tôi muốn đi bộ trên vỉa hè cũng không được, buộc phải đi xuống lòng đường”.

Cần phối hợp chặt chẽ hơn

Theo Sở Công Thương Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã giải tỏa được 89 tụ điểm chợ cóc. Tuy nhiên, có 34 tụ điểm mới phát sinh. Từ nay đến cuối năm 2015, thành phố cần giải tỏa 72 tụ điểm nữa. “Sở đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện phải giải tỏa bằng được các chợ cóc trên địa bàn và báo cáo kết quả trước ngày 30-7. Những chợ cũ tồn tại đã lâu, giải tỏa khó khăn thì địa phương cần có phương án rõ ràng. Những chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, phải kiên quyết giải tỏa xong trước thời điểm nêu trên” - bà Trần Thị Phương 

Lan nói. 

Từ thực tế kiểm tra, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, các quận, huyện, phường, xã cần phối hợp tốt hơn nữa trong công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, tránh tình trạng “dẹp bên này, chạy sang bên kia”. “Chính quyền địa phương phải vào cuộc kiên quyết hơn để kết quả giải tỏa được bền vững. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng thì giải tỏa chợ cóc chỉ mang tính “kỳ cuộc”, không hiệu quả” - đại diện Sở GTVT đề xuất.

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, tới đây, các quận, huyện, phường, xã giáp ranh cần phối hợp, cùng nhau bàn phương án và thống nhất thời gian để kiên quyết dẹp chợ cóc, trả lại đường thông, hè thoáng, mỹ quan đô thị và góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Không để tái diễn tình trạng quận này dẹp xong, báo cáo làm xong, còn chợ chuyển sang ngay bên kia đường họp là việc của quận khác” - đại diện Sở Công Thương nhấn mạnh.

Sở Công Thương cũng cho rằng, các chợ dân sinh đã xây sửa nhưng chưa thu hút được người dân vào kinh doanh cần xem lại cách quản lý, các khoản phí, lệ phí cho phù hợp. “Nếu phí quá cao, bà con kinh doanh nhỏ lẻ sẽ không muốn vào chợ buôn bán” - bà Trần Thị Phương Lan nói.