Không để cung - cầu vênh nhau

ANTĐ - Trong mấy năm gần đây, nước ta thực thi giải pháp bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, tránh những cơn sốt giá, ghìm giá hoặc phá giá. Khi một số mặt hàng nào đó sốt giá, các cơ quan thuộc Bộ Tài chính hoặc bộ chủ quản ngành thường dùng biện pháp hành chính quản lý giá như buộc người bán bán theo giá niêm yết, giá quy định; đưa một số mặt hàng vào diện hàng hóa được bình ổn giá, đồng thời thanh tra, kiểm tra, xử phạt, những vi phạm các quy định về giá đã đăng ký hoặc thuộc diện được bình ổn.

Trong chừng mực nào đó, giải pháp “cưỡng bức” này có tác dụng giúp bình ổn giá và khiến người tiêu dùng yên tâm. Chẳng hạn vụ lình xình giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi vừa qua, được cho là vì mặt hàng này đã bị “thay tên đổi họ” thành sản phẩm dinh dưỡng, không nằm trong danh mục phải bình ổn giá do Bộ Tài chính quản lý. Vì vậy, muốn kìm hãm giá sữa trẻ em, cách đơn giản và dễ dàng nhất là bắt buộc đưa mặt hàng này vào diện hàng hóa phải bình ổn giá.

Tuy vậy, theo quan sát của một số chuyên gia, trước mắt cũng như lâu dài, những mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá đã, đang và sẽ rơi vào tình trạng bất ổn. Thực tế, trên thị trường Hà Nội, TP.HCM cũng như một số thành phố lớn, có không hiếm mặt hàng thuộc diện bình ổn nhưng giá cả lại cao hơn cả thị trường. Dư luận đã từng lên tiếng về hiện tượng những mặt hàng bình ổn trong siêu thị, cửa hàng lớn không thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến tình trạng tiểu thương, đầu cơ chen chúc tranh nhau mua vét về bán lại với giá “cắt cổ”.

Chưa hết, khá nhiều mặt hàng bình ổn giá, nhưng giá niêm yết và giá bán “đầu voi đuôi chuột”, gây bức xúc cho người dân mà không có “đường dây nóng” để phản ánh, khiếu nại. Không nên quên rằng để giữ cho một số mặt hàng được bình ổn, ngân sách của địa phương phải chi ra một khoản không nhỏ với ưu đãi đáng kể, vô tình đã tạo ra những nghịch lý trong cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh, không loại trừ những hành vi trục lợi của một số doanh nghiệp được lọt vào danh sách tham gia bình ổn. Theo ý kiến của một số chuyên gia, cốt lõi của vấn đề bình ổn giá trở nên bất ổn nằm ở cung và cầu chênh lệch khác nhau, tức là cung nhỏ hơn cầu, nhất là những mặt hàng thiết yếu.

Thị trường hàng hóa đang trở nên sôi động vào mùa tiêu dùng cuối năm. Để khắc phục tình trạng cung-cầu vênh nhau, để chính sách bình ổn giá bớt bất ổn, chỉ có giải pháp hữu hiệu là tăng cung bằng cách tăng sản xuất trong nước; giảm cầu bằng cách nới lỏng nhập khẩu. Quan trọng hơn là bù giá, trợ giá vào phần chênh lệch giữa giá thị trường và mức giá mà nhà nước có thể chấp nhận được. Chẳng hạn Nhà nước bù giá mỗi hộp sữa, lít xăng dầu mấy nghìn đồng để người dân không phải bỏ thêm tiền so với trước khi tăng giá.

Tin cùng chuyên mục