Không đánh đổi bằng mọi giá

ANTD.VN - Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã dành nhiều thời gian thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, bản chất của tái cơ cấu là việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực, trong đó không thể bỏ qua yếu tố công nghệ. Bên cạnh những thành tựu kinh tế đã đạt được, thì việc chuyển giao công nghệ từ bên ngoài thông qua các dự án đầu tư nước ngoài cũng mang lại những “trái đắng”.

Trong suốt gần 3 thập kỷ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là nguồn ngoại lực quan trọng, góp phần không nhỏ đối với tăng trưởng GDP và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Kết quả gặt hái được là không thể phủ nhận như bổ sung nguồn lực lớn hàng trăm tỷ USD, chuyển giao công nghệ, giúp đầu tư chiều sâu, tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là xuất khẩu mang lại kim ngạch đầy ấn tượng. 

Tuy nhiên, mặt trái của bức tranh FDI cũng phơi lộ những gam màu xám, thậm chí những “điểm đen” đáng lo ngại. Nhiều dự án có quy mô lớn, vượt quá khả năng tiếp nhận và quản lý của nền kinh tế đã gây ra nạn  ô nhiễm môi trường, sức ép cạnh tranh…

Trong khi đó, việc chuyển giao công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại cho doanh nghiệp Việt Nam hầu như chỉ mang tính hình thức. Đây là nguyên nhân khiến việc tiếp thu công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt hết sức hạn chế. 

Giới chuyên gia, doanh nghiệp đã nhiều lần “kêu cứu” trước thực trạng nhập máy móc, công nghệ ồ ạt của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghệ cho các nước với những dây chuyền sản xuất, thiết bị, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu hàng chục thập kỷ. 

Có một thực tế phải chấp nhận là hầu hết các dự án FDI ở nước ta đều rơi vào tình trạng gia công, lắp ráp kể cả những ngành đạt kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD. Vì thế, nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến vì giá nhân công rẻ, là “bàn đạp” để xuất khẩu thu lợi nhuận. Một khi đã “đầy túi”, họ sẵn sàng rút chân, để lại cơ ngơi xơ xác, lạc hậu, doanh nghiệp Việt gần như trắng tay. 

Đó là chưa kể những dự án trọng điểm của nước ta từ nguồn vốn ODA hoặc vay vốn nước ngoài cũng chịu chung số phận khi chủ đầu tư, tổng thầu cung cấp “cả gói” thiết bị, công nghệ phụ thuộc hoàn toàn vào họ từ chiếc ốc vít cho tới mọi công đoạn, dây chuyền.

Không đánh đổi môi trường để đầu tư bằng mọi giá, không biến nước ta thành “bãi thải” công nghệ, lựa chọn các dự án có công nghệ cao, công nghệ “xanh” thân thiện với môi trường là quyết tâm đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định. Dự thảo Luật Quy hoạch đang trình Quốc hội sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng quy hoạch tổng thể thu hút FDI, ngăn chặn dự án nào có nguy cơ trở thành “bãi rác” cho hôm nay và mai sau.