Không còn cảnh học nhờ nhà kho

ANTĐ - Bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng trường Mầm non Đan Phượng cho biết sau 5 năm, đây là thời điểm không thể quên khi trường trở thành ngôi trường đầu tiên được nhận cơ sở mới khang trang theo chuẩn quốc gia khi Hà Tây chính thức sáp nhập với Thủ đô.

Hà Nội đang tích cực xây mới thay thế phòng học mầm non cấp bốn

Giao chỉ tiêu vận động trẻ ra lớp

Thời gian không thể gọi là lâu nhưng với bà Nguyễn Thị Lan, một hiệu trưởng nhiều năm theo đuổi ngành giáo dục mầm non thì việc khởi sắc của nhà trường hôm nay cho thấy một sự biến chuyển lớn từ vật chất tới tinh thần. “Trường mầm non Đan Phượng trước khi được nhận cơ sở mới chỉ là những điểm thuê mượn học tạm. Có những điểm là nhà riêng của dân chật hẹp, không có sân chơi là nơi học tạm cho mấy chục cô trò” – bà Nguyễn Thị Lan nhớ lại. Vì điểm trông giữ trẻ không ra trường, ra lớp, cộng với chính sách trường mầm non nông thôn thuộc hệ ngoài công lập, người dân không có tiền đóng cho con đi học nên nhiều điểm trường buộc phải giao chỉ tiêu cho giáo viên đi đến từng ngõ xóm để vận động người dân cho con đến trường. Cho con ra lớp rồi nhưng không có tiền đóng tiền ăn trưa cho con nên cứ đến trưa lớp học lại vắng hoe khi các con được gia đình đón về nhà rồi thậm chí là nghỉ luôn. 

Cùng thời điểm này, với các cô giáo mầm non, những tình huống nhận lương tháng bằng thóc bằng ngô cũng chẳng lạ lẫm gì. Phụ huynh không có tiền đóng góp cho con thì nhà có gì mang đến trường “trừ nợ” thức đó. Mức lương hợp đồng thấp, không biên chế, không tăng thang bậc, phập phù vì phụ thuộc vào số tiền thu được từ lượng trẻ ra lớp khiến nhiều giáo viên mầm non đứng lớp chỉ vì lòng yêu trẻ chứ không thể trông mong bằng thu nhập không hề tương xứng với đời sống sinh hoạt hàng ngày chứ chưa nói đến công sức các cô bỏ ra trông nom các con từ sáng sớm tới tối muộn. 

Một trong những trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của huyện Đan Phượng

Bước chuyển ngoạn mục

Để có được ngôi trường khang trang gửi con em như bây giờ phải nói đến sự chuyển biến khá nhanh chóng của bậc học mầm non với chính sách mạnh mẽ của thành phố. Bà Nguyễn Thị Hào, Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tháng 8-2008, cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm 357 trường mầm non bán công nông thôn. Nếu theo đúng nghị quyết yêu cầu thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non cùng với việc Luật Giáo dục 2005 không cho phép tồn tại loại hình trường bán công thì số trường này cộng với 150 trường bán công nông thôn vốn có của Hà Nội sẽ phải chuyển sang dân lập hoặc tư thục. Điều này là không khả thi. Vậy là chỉ trong 6 tháng, toàn bộ 357 trường mầm non bán công nông thôn của Hà Tây sáp nhập đã được chuyển hết sang loại hình công lập và kết thúc việc chuyển đổi vào tháng 4-2009.

“Nếu như trước chỉ có trên dưới 200 trẻ ra lớp thì đến nay con số này là hơn 600 trẻ trong năm học này” – bà Nguyễn Thị Lan cho biết. Con số này vẫn tiếp tục gia tăng và đang tạo sức ép khá lớn với công tác tuyển sinh của không chỉ trường mầm non Đan Phượng mà với hầu hết các trường công lập khác thuộc địa bàn huyện này khi ngân sách huyện đầu tư tới 18/19 trường mầm non công lập đạt chuẩn. “Giáo viên cũng đã khá yên tâm khi hàng năm vẫn có suất vào biên chế, lương tối thiểu của giáo viên là 2,5 triệu đồng mỗi tháng” - Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan chia sẻ.