Không có vùng cấm trong hoạt động vận tải

ANTĐ - Phân tích nguyên nhân dẫn đến gia tăng TNGT nghiêm trọng thời gian qua, gốc của vấn đề là quản lý vận tải và kiểm tra, kiểm soát. “Thuốc" chúng ta đã bốc đúng, nhưng còn cách uống và liều lượng ra sao? 

Sáng nay 6-7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 63 tỉnh, thành cả nước đã trực tuyến về việc triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 23-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải.

Kinh doanh vận tải: Nhiều khâu còn quá lỏng lẻo

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, TNGT giảm về số vụ, số người bị thương, nhưng lại gia tăng số người chết, điều này rất nghiêm trọng, cần phải tìm ra biện pháp ngăn chặn kịp thời.

“Xử lý nghiêm tình trạng vi phạm về trật tự ATGT ở các tỉnh thành, trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban ATGT ở các tỉnh thành. Tại sao biết nguyên nhân nhưng không xử lý? Cần thay đổi phương thức, cách thức tiến hành các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT. Đề nghị các đồng chí Trưởng ban ATGT, các đồng chí là Giám đốc Sở, Phó ban ATGT của các tỉnh, thành cần phải đưa ra những sáng kiến, cách làm mạnh mẽ có hiệu quả thiết thực”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Báo cáo về những vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong vận tải đường bộ, nguyên nhân gây ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ ra 8 vấn đề còn tồn tại hiện nay.

Trong đó, nổi cộm là tình trạng buông lỏng quản lý công tác cấp GPKD vận tải, chấp thuận mở tuyến, đăng ký khai thác tuyến; quy định về vận tải và xếp dỡ hàng hoá còn lỏng lẻo; thực hiện chưa nghiêm quy định về chất lượng thiết bị cũng như sử dụng và khai thác dữ liệu của thiết bị giám sát hành tình xe ô tô để quản lý, theo dõi và cảnh báo nhằm đảm bảo ATGT.

Tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước tại bến xe, đầu mối hàng hoá để xảy ra hiện tượng: bến xe khách thông đồng với các nhà xe cho xe không đăng ký kinh doanh vào bến đón khách, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong vận tải hành khách tuyến cố định...

Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương lên kế hoạch, huy động tối đa lực lượng với tinh thần xử lý nghiêm các vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cao như: chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, tránh vượt xe sai quy định, vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải, quá số người quy định…

Kinh doanh vận tải còn nhiều lỗ hổng


Làm rõ nguyên nhân các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cũng đưa ra một số khó khăn và kiến nghị cụ thể như: Thay đổi một số điều của Luật Giao thông đường bộ, khởi tố để sớm đưa ra xét xử một số trường hợp vi phạm điển hình trong lĩnh vực trật tự ATGT.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt cũng cho rằng, cần có quy định đối với người cầm lái. “Cần làm rõ,  tại sao một số Trung tâm cai nghiện lại tổ chức đào tạo lái xe cho người cai nghiện. Có thể đào tạo cho người cai nghiện biết lái xe, nhưng không thể đào tạo để họ cầm lái những loại phương tiện liên quan đến tính mạng nhiều người dân như xe khách, container. Hơn nữa, cầm xem xét xử lý hình sự đối với hành vi lái xe không có GPLX, không thể để mãi tình trạng, lái xe không có bằng lái, đến khi TNGT chết người xảy ra mới xem xét khởi tố”.  

Chia sẻ vấn đề nóng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, TNGT nghiêm trọng diễn biến xấu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng lái xe, về đạo đức cũng như tình trạng buông lỏng quản lý của các DN, HTX vận tải. Thực chất, lái xe cũng chỉ là nạn nhân của tình trạng này.

Ông Thanh nhìn nhận, cũng bởi thực trạng “nhà nhà, người người làm vận tải” mới dẫn đến như hiện nay. Chỉ chiếm một con số nhỏ DN vận tải quản lý điều hành tập trung, sát sao đến từng lái xe, còn lại đa phần đều áp dụng mô hình khoán thu trên đầu phương tiện cho lái xe, thậm chí khoán trắng, hàng tháng thu tiền. Khi TNGT xảy ra, DN hay HTX vận tải đều vô can, chỉ có lái xe bị xử lý trách nhiệm.

“Để ngành vận tải như hiện nay có lỗi của cơ quan Nhà nước, đứng đầu là Bộ GTVT”, ông Thanh nhấn mạnh.

Sai phạm nhiều sẽ kiến nghị cách chức Giám đốc Sở GTVT

Ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở GTVT thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là trung tâm của nhiều loại phương tiện, bảo kê trên tuyến QL 5 đang diễn ra. 97% tai nạn xảy ra trên địa bàn là trên lĩnh vực đường bộ. Hải Phòng hiện có 13.000 doanh nghiệp vận tải, nhưng 80% DN chỉ có từ 1-3 xe, mới có 10% DN được cấp phép kinh doanh vận tải. Chính điều này đã gây ra nhiều vụ TNGT.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ngắt lời ông Đoàn Xuân Lũy, yêu cầu giải thích rõ, tại sao 90% DN không có phép mà vẫn hoạt động, vai trò quản lý của Sở GTVT ở đâu? Ông Lũy nhìn nhận, tình trạng không cấp phép, xe vẫn hoạt động trên đường là do buông lỏng quản lý, Hải Phòng đang rà soát để chấn chỉnh trong thời gian tới.

Ông Đinh La Thăng yêu cầu, Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra quản lý Nhà nước về vận tải tại Hải Phòng. Nếu phát hiện những sai sót nghiêm trọng sẽ đề xuất Hải Phòng cách chức Giám đốc Sở GTVT. Phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng trên.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến gia tăng TNGT nghiêm trọng thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia kết luận, gốc của vấn đề là quản lý vận tải và kiểm tra, kiểm soát. “Thuốc" chúng ta đã bốc đúng, nhưng còn cách uống và liều lượng ra sao?

400 tỷ đồng lắp đặt camera giám sát dọc QL1

Do đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, nên phân cấp trách nhiệm mạnh mẽ cho người đứng đầu địa phương, đơn vị. Bấy lâu chúng ta cứ nói trách nhiệm người đứng đầu, nhưng chưa xử lý được ai, trong khi TNGT nghiêm trọng vẫn gia tăng. Bên cạnh đó, trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung vào lực lượng công vụ. Ủy ban ATGT sẽ đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá trách nhiệm, thái độ, năng lực… của Ban ATGT các tỉnh, thành.

Ông Hiệp cũng đề nghị ngoài các biện pháp như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát tốc độ, tăng cường tuần lưu, về lâu dài phải dùng camera giám sát. “Nên lắp đặt camera giám sát dọc QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo tính toán chỉ khoảng 400 tỷ đồng, không đáng bao nhiêu so với đầu tư, nâng cấp toàn tuyến nhưng lại giúp giảm TNGT đến 30%”.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả địa phương và các Bộ, ngành đều phải đặt ra kế hoạch cụ thể để triển khai Chỉ thị 12, để giảm ùn tắc, TNGT không chỉ ngành giao thông, Công an vào cuộc là có thể được, mà cần phải huy động cả hệ thống chính trị.

Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm kéo giảm TNGT

“Bộ GTVT phải lưu ý vấn đề kinh doanh vận tải phải có điều kiện, cần siết chặt công tác này hơn nữa,  không phải chỉ có giấy phép, mà phải phối hợp kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Không có vùng cấm trong hoạt động kinh doanh vận tải, không có đoàn "xe vua", bảo kê taxi…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý cấp phép, lắp thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt camera sẽ giảm được 30% tai nạn. Đăng kiểm phải được kiểm tra chặt chẽ, đúng quy trình, đặc biệt là xe khách. Chấm dứt ngay tình trạng tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm".

"Bộ Công an phải có những giải pháp cấp bách để kéo giảm TNGT nghiêm trọng. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuần tra lưu động, phải xử lý nghiêm cho dù là đối tượng nào". Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo lực lượng chức năng phải thường xuyên mặc thường phục đi kiểm tra, thực tế. Kết quả kiểm tra được công bố công khai, xử phạt vi phạm không trừ một ai.

Đánh giá vai trò tiên phong của UBND các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu cần Trưởng Ban ATGT cần nghiêm khắc với tình trạng uống rượu bia buổi trưa ở tất cả các tỉnh thành để không tốn kém thời gian, vừa góp phần bảo đảm ATGT.

Tại Hội nghị trực tuyến diễn ra sáng 6-7-2013, Phó Thủ tướng ghi nhận sự vào cuộc nỗ lực của các cấp, ngành, tình trạng bến xe lộn xộn, taxi dù đã được chấn chỉnh, cải thiện. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục chấn chỉnh tình trạng này để đô thị văn minh, lịch sự. Ngoài ra, tại 2 TP này lực lượng Công an cũng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là ở vùng ven, đại lộ, đề phòng tình trạng đua xe, cướp giật…

Tin cùng chuyên mục