Không có vùng cấm trong chống buôn lậu, gian lận thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 13-7, Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 13-7, sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng BCĐ 389 Thành phố nhấn mạnh: Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm.

Nhận diện rõ vi phạm, kiến nghị xác đáng

Theo báo cáo của Thường trực BCĐ 389 Thành phố, các tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trong BCĐ đã thanh tra, kiểm tra 10.556 vụ, xử phạt hành chính 9.428 vụ, khởi tố 73 vụ với 106 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 1.475 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là 338 vụ, gian lận thương mại 7.615 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 1.145 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng BCĐ 389 Thành phố phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng BCĐ 389 Thành phố phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Những tháng đầu năm 2022, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình vận chuyển hành khách qua đường hàng không có giảm. Tuy nhiên, hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không vẫn tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu thường tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu như: sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược… Đặc biệt là diễn biến phức tạp của tội phạm vận chuyển ma túy giấu trong hàng hóa gửi về Hà Nội bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, các cảng ICD Mỹ Đình, Gia Lâm…

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Tham luận tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đánh giá: hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng. Các đối tượng thường xuyên dùng các mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… để bán hàng lậu như: Kit test nhanh Covid-19, thuốc điều trị Covid-19, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…Thời gian qua, CATP đã phát hiện hàng chục nhóm kín, gỡ bỏ hàng chục nhóm Zalo, Facebook kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 trên không gian mạng.

Chỉ rõ việc các đối tượng sử dụng mạng xã hội để buôn bán hàng lậu gây khó khăn cho lực lượng chức năng, Phó Giám đốc CATP đề xuất BCĐ 389 chỉ đạo Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường kiểm soát chặt từ cửa khẩu biên giới, các ga hàng không, đường sắt… đồng thời kiến nghị bổ sung chế độ hàng hóa có nguồn gốc chứng từ ngay từ khi nhập khẩu, không chấp nhận việc ghi giá thấp hơn thực tế để đối phó với lực lượng thực thi công vụ. Cần tăng cường trong việc cấp phép đối với việc kinh doanh kho tàng, bến bãi, và có chế tài cụ thể khi phát hiện tại kho có hàng vi phạm.

Lực lượng QLTT kiểm tra kho hàng hóa nghi nhập lậu

Lực lượng QLTT kiểm tra kho hàng hóa nghi nhập lậu

“Đối với vật chứng là thời trang, mỹ phẩm cần có hướng dẫn xử lý chi tiết tang vật trong quá trình điều tra tránh để tránh bị hỏng tang vật gây khó khăn cho xử lý, tổn thất lớn cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến hàng điện tử; đề nghị bổ sung kinh phí lưu kho bãi cho lực lượng thực thi nhiệm vụ,” Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị.

Nói thêm về những khó khăn trong quá trình đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, ông Chu Xuân Kiên - Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389 Hà Nội, nêu: một số hệ thống văn bản, chính sách pháp luật trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại còn chưa có sự thống nhất trong áp dụng xử lý cũng như xác định hành vi vi phạm dẫn đến lúng túng cho các lực lượng chức năng trong công tác thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, hệ thống tra cứu hóa đơn điện tử chưa được triển khai đồng bộ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan thuế, hải quan và các lực lượng chức năng khác dẫn đến hiệu quả kiểm tra, xử lý vụ việc chưa cao. Chưa kể, vẫn còn có sự đùn đẩy, né tránh của một số nơi dẫn đến vụ việc không được xử lý triệt để đúng thời hạn và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Không có vùng cấm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, các sở, ngành chức năng thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình, chủ động đối phó với những diễn biến bất thường; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin, các phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng nhằm đấu tranh có hiệu quả với tình trạng hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

“Đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng online, bán hàng qua mạng; kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, Tết”, Trưởng BCĐ 389 Thành phố nhấn mạnh và yêu cầu các sở, ngành thành viên, BCĐ 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm.

Thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…