Không có sản phẩm tốt, du lịch Việt khó đạt hiệu quả cao

ANTD.VN - Sáng 3-8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị “Xúc tiến du lịch năm 2017”. Hội nghị bàn sâu về các giải pháp xúc tiến du lịch Việt Nam, trong đó trọng tâm là 2 vấn đề: xác định thị trường trọng điểm và miễn visa cho du khách quốc tế.

Du lịch Việt Nam đứng Top 6 ASEAN về các quốc gia đóng góp trực tiếp GDP và số khách đến ASEAN 

Dồn sức vào thị trường nào?

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, một trong những hạn chế quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch quốc tế là nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm đúng mức, chiến lược thị trường chưa thực sự hợp lý, chưa kiên định theo đuổi mục tiêu; chiến lược vạch ra nhưng triển khai không đúng mục tiêu, còn tùy thuộc vào điều kiện kinh phí; cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường thiếu, không nhất quán.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường có khả năng tăng trưởng mạnh, duy trì tốc độ phát triển ổn định của các thị trường truyền thống khác; đặc biệt là các thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia trong khối ASEAN.

“5 tháng cuối năm 2017, du lịch Việt Nam nên dồn hết sức trong việc thu hút du khách từ các nước ASEAN. Bởi các nước xa vận động 6 tháng - 1 năm mới có khách. Xóa mất cân bằng giữa tour nội địa và quốc tế giữa Việt Nam và các nước”.

Ông Vũ Thế Bình (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam)

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch bày tỏ quan điểm, cần tập trung vào thị trường có chi trả cao, lưu trú lâu dài và có tính ổn định gồm 7 thị trường chính, đại diện cho 14 quốc gia chiếm 85% thị phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: Châu Âu, Trung Quốc, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Australia, Bắc Á và Nga.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói: “Nhìn vào các nước ASEAN, 6 nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Singapore, Philipines) sang Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 1,3 triệu người. Người Việt Nam đi du lịch sang các nước này vào khoảng 3,6 triệu người. Chúng ta thấy được sự mất cân bằng và chúng ta có thể đạt được sự cân bằng này”. 

Mở rộng phạm vi miễn visa

Về lâu dài, tăng trưởng du lịch đã có chính sách, đến năm 2020 phấn đấu đạt 20 triệu khách. Theo ông Vũ Thế Bình, đó là “con số kinh khủng, cần phải hành động chứ không thể hô hào. Chính phủ đã thống nhất tiếp tục chính sách miễn visa cho du khách từ 5 nước Tây Âu, từ ngày 1-7-2017 đến 30-6-2018, nếu thời gian lưu trú không quá 15 ngày.

Trước đó, Hiệp hội Du lịch và Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đã gửi kiến nghị kéo dài thời gian của chính sách miễn visa từ 1 lên 5 năm, tăng số ngày lưu trú từ 15 lên 30 ngày. Ông Vũ Thế Bình đưa ý kiến: “Visa đi ra khỏi Việt Nam, muốn quay lại mất 30 ngày nữa thì là vô lý”. Nếu đề nghị miễn visa luôn một loạt các nước khác thì khó, nên chọn một số thị trường quyết liệt như Australia, Ấn Độ, Canada để kiến nghị lên Thủ tướng”. 

Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng mong muốn có thể tận dụng tốt cơ hội APEC mang lại. Tiếp tục kiến nghị các vấn đề visa, đề nghị từng cơ quan, doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu xác định kế hoạch chi tiết cho việc tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch của năm 2017 và 2018.

Đại diện Saigontourist bày tỏ quan điểm: “Các doanh nghiệp địa phương thường quan tâm đến visa, các đường bay thẳng, vì điều đó dẫn đến bước quyết định của du khách mua và chọn sản phẩm”. Quảng bá hình ảnh chỉ mới tạo sự quan tâm ban đầu. Nếu không có sản phẩm tốt, cụ thể với chính sách thuận lợi thì e chừng hiệu quả chỉ dừng lại ở thông tin cho khách hàng biết về điểm đến mang tên Việt Nam.