Không có lời dịch nào hoàn hảo hơn bản gốc "Sông núi nước Nam"

ANTĐ - Trước sự so sánh về các bản dịch bài thơ “Sông núi nước Nam” trong sách giáo khoa, ý kiến từ Tổng chủ biên sách Ngữ văn lớp 7, nhà giáo và nhà sử học cho thấy những góc nhìn khác nhau.

Sách giáo khoa đã đưa 2 trong 6 bản dịch

Chiều 9-11, trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô về việc sử dụng bản dịch “Sông núi nước Nam” của tác giả Lê Thước - Nam Trân thay vì bản dịch cũ, Tổng chủ biên cuốn sách là GS Nguyễn Khắc Phi cho biết, ngay nguyên bản chữ Hán của bài thơ cũng có nhiều dị bản. “Theo tôi được biết, hiện phải có tới 35 văn bản chữ Hán. Vì vậy, việc lựa chọn dùng bản gốc nào của bài thơ này vào sách giáo khoa cũng đã là cả một quá trình làm việc nghiêm túc.  Bản nguyên văn trong sách giáo khoa là bản trên bức tranh sơn mài của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Còn với bản dịch, tôi cũng được biết tới 6 bản khác nhau.

Sách giáo khoa không thể đăng tải cả 6 bản nên đã lựa chọn 2 bản dịch. Như vậy, ngoài bản dịch của Lê Thước - Nam Trân là 2 danh nhân nổi tiếng, đứng đầu về Hán nôm, chúng tôi đưa cả bản dịch của Ngô Linh Ngọc. Việc đưa các bản dịch này giới thiệu với học sinh nhằm mục đích để các em thấy được sự diễn giải khác nhau với những điểm mạnh, điểm yếu của từng bản dịch. Thực tế không thể nói bản dịch nào là hoàn hảo, chuyển tải được hết bản gốc” - GS Nguyễn Khắc Phi cho biết.

Theo GS Nguyễn Khắc Phi, bản dịch của Lê Thước - Nam Trân đã được đưa ra Hội đồng quốc gia về thẩm định sách giáo khoa với nhiều học giả có tên tuổi và các giáo viên THCS, THPT cũng tham gia. Lê Thước cũng như Nam Trân đều là những nhà Hán - Nôm học nổi tiếng. Riêng Nam Trân còn là nhà thơ có tên tuổi, từng được giao nhiệm vụ tổ chức dịch “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch. “Chỉ 4 câu thơ mà 2 cụ cùng dịch đủ thấy sự nghiêm túc như thế nào” - GS Nguyễn Khắc Phi nhấn mạnh.

Cũng theo GS, bản dịch trước đây nghe êm tai nhưng không phải không có những chỗ bất ổn. Để phân tích cái hay cái dở có lẽ phải mất nhiều thời gian, chẳng hạn chữ “định phận” ở bản trước chưa đạt, giữ y như nguyên văn, có thể gây ra hiểu nhầm là số phận đã định đoạt, không thể hay và chuẩn bằng “vằng vặc sách trời chia xứ sở” của bản dịch trong sách giáo khoa.

Ngoài ra, việc 2 dịch giả Lê Thước - Nam Trân chuyển từ vần bằng trong nguyên văn sang vần trắc ở bản dịch không phải là không có dụng ý. Trước nay quan điểm cho rằng, thơ phải nghe êm tai nên phần nhiều sử dụng vần bằng nhưng việc đưa vần trắc tạo âm thanh nghe hơi chói tai nhưng lại có mục đích tạo sự rắn rỏi, đanh thép, thu hút sự chú ý, tập trung của người đọc, người nghe”. 

Còn ở bản dịch của Ngô Linh Ngọc lại “đắt” ở từ “chuốc” trong câu kết “Bay hãy chờ coi, chuốc bại vọng”. Từ “chuốc” thể hiện dụng ý của tác giả nhấn mạnh ở nghĩa quân giặc tự ý xâm phạm thì tất yếu sẽ phải gánh chịu hậu quả do mình tạo ra. Hay ở câu đầu “Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự” cũng được đánh giá là hay ở từ đế và ngự. Chữ đế khác chữ “vua” cũng như “vương” bởi thời phong kiến việc phong vương thì nhiều nhưng “đế” chỉ có một. Chữ “ngự” cũng hay hơn chữ “ở” vì bao gồm cả ý nghĩa là nơi ở cũng đồng thời có quyền quản lý…

Nên khuyến khích tiếp cận nhiều bản dịch

Cô Hương Thủy, giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An cho rằng, bản dịch mới và cũ của bài thơ “Sông núi nước Nam” thực ra đều là những bản dịch đã có từ rất lâu. Các bản dịch trong sách giáo khoa hiện hành đều được in trong tuyển tập văn thơ Lý Trần. “Tôi cho rằng không có bản dịch nào hoàn hảo, mỗi bản dịch đều là một cách cố gắng tiếp cận bản gốc. Các GS Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Văn Nguyên, Bùi Duy Tân đều từng đặt vấn đề dịch lại câu cuối, chưa kể chính bản chữ Hán của bài thơ này cũng có nhiều dị bản. Việc dư luận xôn xao chắc do mọi người chưa quen.

Nên nhìn nhận khách quan, trên cơ sở có tính khoa học thay vì dựa trên cảm tính bột phát. Trong xu thế đổi mới, có thể các nhà làm sách giáo khoa muốn cho học sinh tiếp xúc với nhiều bản dịch khác nhau để tìm hiểu, so sánh và cảm nhận. Theo chúng tôi, việc này nên được khuyến khích” - cô Hương Thủy chia sẻ.

GS Nguyễn Khắc Phi cũng nhấn mạnh, việc học tác phẩm này đối với học sinh sẽ đi từ bản gốc phiên âm, đọc để cảm nhận và đọc đến các bản dịch và theo hướng dẫn của giáo viên, phân tích, tìm hiểu từng từ, từng chữ về ngữ nghĩa, âm điệu… “Bộ GD-ĐT khuyến khích chứ không cấm đoán việc tìm hiểu tác phẩm với nhiều dị bản khác nhau. Học sinh, giáo viên hoàn toàn có quyền tham khảo các bản dịch. Chúng tôi không đưa vào sách giáo khoa nhưng trong sách tham khảo đưa rất đầy đủ” - GS Nguyễn Khắc Phi nói thêm.

Ý kiến nhà sử học: 

Giáo sư Lê Văn Lan: “Không sai lệch nhưng đôi chỗ hơi cứng nhắc” 

“Theo tôi, bản dịch trong sách Ngữ văn lớp 7 của bài thơ “Nam quốc sơn hà” có đôi chỗ cứng nhắc và chưa thoát ý. Nếu chiểu theo bản gốc trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, có thể thấy chữ “vằng vặc” chưa ổn vì từ này thường chỉ ánh sáng mặt trăng. Bản gốc “tiệt nhiên” là rõ ràng, là rành mạch.

Ở câu thứ tư, nếu dùng từ “chúng mày” cũng không sai so với bản gốc, tuy nhiên chữ có phần hơi thô bạo nếu đưa vào sách dành cho học sinh. Nói chung, bản dịch mới chưa được “chỉnh” về tu từ học, cũng chưa thể hiện được nhiều tính văn học, nhất là so với bản dịch cũ mà chúng ta từng biết. Tôi cho rằng bản dịch này không sai lệch nhiều và có thể chấp nhận được”.  

Tiên sĩ Nguyễn Nhã: “Tôi thích bản dịch đầu tiên” 

“Mỗi người dịch lại có một cách cảm nhận và chuyển tải nội dung của câu thơ trong bài “Nam quốc sơn hà” khác nhau. Tôi tôn trọng sự khác biệt này. Tuy vậy, với bản dịch đầu tiên, tôi nhận thấy bài thơ đầy đủ ý nghĩa và sắc thái tình cảm nhất. Nếu được lựa chọn để đưa bản dịch nào vào giảng dạy cho các em học sinh, tôi sẽ chọn bản dịch đầu tiên”.