Không có huy chương Olympic Tokyo, Trưởng đoàn Việt Nam nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhìn nhận thời điểm này Olympic vẫn là đấu trường khó với thể thao Việt Nam, và hy vọng sau 3-7 năm, các VĐV sẽ bước vào tranh tài trong tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương.

Tối nay 2-8, VĐV cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo là Quách Thị Lan sẽ thi bán kết Olympic, với mục tiêu vượt lên thành tích bản thân chứ không hy vọng có huy chương.

Trước đó, 17/18 VĐV của đoàn đã dừng bước mà không có huy chương nào.

Ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo

Ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo

"Lần tham dự này chúng ta chưa đạt được thành tích như mong muốn, kể cả mục tiêu có khả năng tranh chấp huy chương nội dung cử tạ nữ. Điều đó cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu", Trưởng đoàn Trần Đức Phấn chia sẻ trước giờ đoàn thể thao Việt Nam chính thức chia tay Thế vận hội.

Theo ông Phấn, kết quả thi đấu chưa thành công một phần nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết VĐV không được đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Điển hình như trường hợp kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, dù đạt 2 chuẩn A (800m và 1.500m) từ rất sớm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, nhiều thời điểm còn không được xuống nước mà phải tập trên bờ. Hay như các VĐV cử tạ sau thi đấu vòng loại về nước phải thực hiện cách ly hơn 40 ngày và các VĐV khác cũng trong hoàn cảnh tương tự vì dịch bệnh.

Đánh quá tổng quan về kết quả thi đấu của 18 VĐV, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn chỉ ra một số VĐV hoàn thành được mục tiêu đề ra như Nguyễn Thuỳ Linh (cầu lông), Nguyễn Văn Đương và Nguyễn Thị Tâm (boxing), Quách Thị Lan (điền kinh), Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo (rowing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi)…

Từ trái qua: Bốn VĐV được kỳ vọng là Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn, Trương Thị Kim Tuyền và Hoàng Xuân Vinh đều không thể giúp Việt Nam có huy chương tại Olympic Tokyo.

Từ trái qua: Bốn VĐV được kỳ vọng là Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn, Trương Thị Kim Tuyền và Hoàng Xuân Vinh đều không thể giúp Việt Nam có huy chương tại Olympic Tokyo.

Bên cạnh đó, một số nội dung VĐV thi đấu chưa đạt được thậm chí là thấp hơn thành tích mà VĐV đã đạt được trong thời gian vừa qua như: Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung) Nguyễn Thanh Thuỷ (judo)...

Việc không có huy chương là bước thụt lùi của thể thao Việt Nam so với thành tích 1 HCV, 1 HCB tại kỳ Thế vận hội trước, và thua các nền thể thao láng giềng như Thái Lan (1 HCV), Philippines (1 HCV), Indonesia (1 HCB, 2 HCĐ), Malaysia (1 HCĐ)...

“Đây là những môn hy vọng sẽ có những đột phá tại Olympic lần này, trong đó có môn được tập huấn thi đấu nước ngoài như taekwondo nhưng không có sự cải thiện đáng kể về thành tích và điểm hạn chế, bộc lộ rõ nhất vẫn là thể lực”, ông Phấn nói.

Theo Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, 18 VĐV xuất sắc nhất của chúng ta đến Olympic lần này bằng các "cửa" khác nhau: Một số đạt chuẩn A (suất trực tiếp), một số tích điểm qua các giải đấu vòng loại (xét chọn) và số còn lại là vé mời (đặc cách).

Trong số đó, một vài VĐV được đầu tư, phấn đấu có huy chương, nhưng đã không thành công.

"Olympic vẫn là đấu trường khó với thể thao Việt Nam, chỉ một số ít môn thi, nội dung và VĐV có khả năng tranh chấp huy chương. Màn thể hiện của 18 VĐV tham dự Olympic Tokyo đã phản ánh điều này", Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhìn nhận và hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic (3-7 năm) nữa, các VĐV có thể bước vào tranh tài trong tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương.

Để điều này thành hiện thực, theo ông Phấn, cần giải quyết được bài toán đầu tư, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, có quan điểm đầu tư rõ ràng, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện.

"Sau Olympic, Tổng cục TDTT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT&DL để giải quyết mục tiêu này", Trưởng đoàn thể thao Việt Nam đồng thời là Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT nói.

Sau 6 đội tuyển về nước hôm 30-7, dự kiến ngày 4-8, các thành viên còn lại của đoàn thể thao Việt Nam sẽ về nước và cách ly y tế theo quy định tại một khách sạn ở Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã gửi lời thăm, chúc sức khoẻ, căn dặn các thành viên đoàn thực hiện nghiêm các qui định phòng chống dịch bệnh Covid-19, an toàn trở về nước. Bộ trưởng mong muốn sau khi hoàn thành việc cách ly theo qui định, các VĐV sẽ quay trở lại tập luyện tích cực chuẩn bị cho các đấu trường lớn vào năm sau.