Không có cơ sở để giải quyết

ANTĐ - Vốn là nền đất của một máy nước công cộng cũ, nhưng do cách xử lý không cương quyết và triệt để nên nhiều năm nay UBND phường Thanh Lương vẫn loay hoay với việc thu hồi hơn 40m2 diện tích đất công tại khu vực tổ 9A. Hậu quả là, bãi đất lưu không đã trở thành bãi rác công cộng, còn mong muốn tìm một khu vực trống để xây nhà văn hóa cho người dân thì cứ mãi nằm chờ…

Lô đất 187 trước năm 1992 vốn là một máy nước công cộng

Những rắc rối trên vốn đã tồn tại từ cách đây 20 năm. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự trở nên bức xúc khi UBND phường Thanh Lương bắt đầu có ý định xây dựng tại lô đất số hiệu 187, diện tích 42,4m2 thuộc tổ 9A một nhà văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của bà con trong tổ. Lúc này, gia đình bà Phạm Thị Huê trú tại số nhà 79 (thuộc lô đất số 185) tổ 9A lập tức có đơn khiếu nại ra phường cho rằng lô đất 187 này thuộc quyền sử dụng của gia đình mình.

Theo quan điểm của gia đình bà Huê thì: năm 1992 bà có mua lại mảnh đất số hiệu 185 từ ông Lê Quang Thùy. Trong quá trình mua bán, ông Lê Quang Thùy cho biết, lô đất 187 diện tích 42,4m2 trước mặt cũng thuộc quyền sử dụng của họ. Do vậy, gia đình bà Huê đã thanh toán tiền cho cả 2 phần đất này và sử dụng, nộp thuế đầy đủ suốt từ đó tới nay. Chính vì vậy, việc UBND phường Thanh Lương xây dựng nhà văn hóa trên phần đất này là không đúng.

Tuy nhiên, sự thực không hoàn toàn như vậy. Theo những tài liệu còn lưu giữ tại UBND phường Thanh Lương thì lô đất 187 trước năm 1992 vốn là một máy nước công cộng phục vụ cho toàn bộ dân cư tổ 9A. Năm 1990 ông Lê Quang Thùy đã tự ý di chuyển máy nước ra chỗ khác để tận dụng nơi này làm vườn rau cho gia đình mình. Sự việc khi đó đã vấp phải phản ứng khá quyết liệt của tổ dân phố và thậm chí đã có khá nhiều cuộc họp để phản đối việc này bởi nó xâm phạm tới lợi ích chung của toàn khu dân cư. Ngay cả bản thân ông Thùy khi đó cũng đã phải có văn bản gửi UBND phường khẳng định không hề có ý định chiếm dụng phần đất này. Tuy nhiên, để kịp thời ngăn chặn việc lấn chiếm đất công, UBND phường Thanh Lương cũng đã ra văn bản số 22/TB-UB ngày 7-5-1991 yêu cầu ông Thùy dỡ bỏ phần xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng và vận chuyển vật liệu ra khỏi khu đất. Như vậy, có thể khẳng định nguồn gốc lô đất số 187 hoàn toàn là đất lưu không và từ đó đến nay chưa hề được cấp cho bất kỳ ai.

Ông Lê Việt Hùng – Chủ tịch UBND phường Thanh Lương khẳng định: “Gia đình bà Huê cho rằng đã mua lại lô đất 187 từ gia đình ông Thùy nhưng lại không đưa ra được bất cứ văn bản nào chứng minh được việc trên nên chúng tôi không có cơ sở để xem xét giải quyết. Ngay cả trong các văn bản giấy tờ của ông Thùy khi bán cho bà Huê cũng không có phần nào nói về việc sang nhượng lại mảnh đất số 187 nói trên”.

Cũng trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Hùng thừa nhận, lô đất số 187 vốn là lô đất khá nhạy cảm. Trước đây, việc vi phạm, cố ý lấn chiếm đã kéo dài nhiều năm, nhưng rất tiếc là UBND phường khi đó đã không có biện pháp cứng rắn giải tỏa dứt điểm. Vì thế các cá nhân cứ dựng lều lán tạm bợ để tận dụng, chỉ khi nào phường phát hiện ra yêu cầu dỡ bỏ thì họ mới giải tỏa. Nhưng chỉ được vài hôm, khi cán bộ không để ý thì lại đâu vào đấy. Chính vì vậy, hiện nay khu đất trở thành nơi hoang hóa để người vô ý thức vứt rác thải gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới cả khu vực.

Tới đây, UBND sẽ kiên quyết chấm dứt tình trạng này bằng cách xây dựng tại đây một nhà văn hóa cho bà con tổ 9A sinh hoạt. Hiện UBND phường đã làm tờ trình gửi UBND quận Hai Bà Trưng và sẽ sớm triển khai xây dựng.