Nhóm G12:

Không có chuyện “cá lớn nuốt cá bé”

ANTĐ - Trước bất kỳ một chính sách nào do NHNN đưa ra, nhóm G12 sẽ là những ngân hàng tiên phong, phải thực hiện nghiêm túc để làm gương, không có chuyện lợi dụng vị thế để lách luật.

Nhóm G12 sẽ là những ngân hàng tiên phong, thực hiện nghiêm túc các chính sách

Trong 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ban hành các quy định về lãi suất tối đa cho tiền gửi bằng VND gây nên biến động lớn trong công tác huy động vốn của khối ngân hàng. Nhóm G12+1 (gồm Ngân hàng Nhà nước và 12 ngân hàng lớn, chi phối 85% thị phần cả nước) thường xuyên được nhóm họp. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank-ảnh) xung quanh những vấn đề này.

- PV: Theo quy định thì nhóm G12 chỉ họp hàng quý, vậy căn cứ theo tần suất những cuộc họp bất thường gần đây thì có thể nhận định thị trường tiền tệ đang có rất nhiều biến động?

- Ông Trần Anh Tuấn: Đúng là nhóm G12+1 quy định mỗi quý sẽ họp một lần, nhằm mục đích trao đổi hoạt động nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa tính tương tác giữa thị trường và cơ quan quản lý. Trong trường hợp thị trường biến động phức tạp, nhóm sẽ họp bất cứ lúc nào để xử lý tình hình. Sau hàng loạt chính sách của NHNN đưa ra vừa qua, hiển nhiên có sự xáo trộn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và nhóm G12 họp là để bàn thảo, cùng góp ý về những biện pháp tiếp theo nhằm giúp thị trường tiền tệ ngày càng tốt hơn.

- Sau khi NHNN thành lập nhóm G12, các ngân hàng nhỏ bày tỏ lo ngại sẽ bị “lép vế”, ông nói gì về vấn đề này?

- Nhóm G12 được thành lập với mục đích “đoàn kết tạo nên sức mạnh” vì vậy sẽ không có tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” ở đây. Trái lại, trước bất kỳ một chính sách nào do NHNN đưa ra, nhóm G12 sẽ là những ngân hàng tiên phong, phải thực hiện nghiêm túc để làm gương, không có chuyện lợi dụng vị thế để lách luật.

-  Chính sách siết chặt lãi suất tiết kiệm, Maritime Bank có gặp phải khó khăn trong huy động vốn không, thưa ông?

- Đúng là khi lãi suất được cào bằng, người dân có tâm lý chuyển vốn nhàn rỗi gửi vào các ngân hàng lớn mà họ cảm thấy đáng tin cậy hơn. Thời gian vừa rồi, huy động vốn của Maritime Bank thực sự cũng có sự xáo trộn: có khách hàng rút tiền chuyển sang “ngân hàng quốc doanh” nhưng lại cũng có những khách hàng rút tiền từ ngân hàng khác để gửi Maritime Bank.

Tuy vậy, tôi tin rằng dù là ngân hàng lớn hay nhỏ thì cũng không loại trừ trường hợp huy động bị ảnh hưởng do nhiều khách hàng chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản… Như vậy, nếu nhìn toàn cục thì theo tôi việc cào bằng lãi suất vẫn đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh.

Tất nhiên các ngân hàng nhỏ hơn sẽ khó khăn vất vả hơn ở giai đoạn này nhưng họ hoàn toàn có thể giành lại lợi thế nếu tìm ra được biện pháp thích hợp để củng cố niềm tin của khách hàng vì khách hàng luôn tìm hiểu rất kỹ khi lựa chọn, không bao giờ chọn ngẫu nhiên một đơn vị để gửi gắm đồng vốn của mình. Xét về lâu dài, khi đường cong lãi suất được tái thiết, nguy cơ rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều so với cuộc chạy đua lãi suất trước đây.

-  Khi tiết kiệm giảm tính hấp dẫn với nhà đầu tư, liệu lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay sẽ sụt giảm mạnh?

- Chuyện khó khăn là thực tế nhưng như chúng ta đều biết, năm qua thị trường bất động sản và chứng khoán cũng gặp khó khăn. Vì vậy, dù ở kênh nào, các tổ chức cũng cần đánh giá đúng thực trạng để cân đối nguồn vốn, áp dụng các biện pháp hiệu quả nhất cho đơn vị mình chứ không thể chỉ trông chờ vào động thái chung của thị trường.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng dù thế nào thì việc giảm lãi suất cũng là một đối sách cần thiết để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Nhóm G12+1 gồm những ngân hàng nào?

Hiện Ngân hàng Nhà nước không công bố danh sách cụ thể 12 ngân hàng nào được chọn vào nhóm G12+1. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính công bố đến thời điểm 31-12-2010 của các ngân hàng thương mại, 12 ngân hàng lớn nhất (về quy mô tổng tài sản) gồm có 4 ngân hàng thương mại nhà nước và 8 ngân hàng thương mại cổ phần (chiếm 85% thị phần): Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Sacombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).