Không có biển báo vẫn bị xử lý lỗi khi đi sai làn: Đúng hay sai?

ANTĐ - Qua ngã ba không có biển báo và đi không đúng làn liệu có bị CSGT xử phạt không?

Theo lá đơn phản ánh của anh Trần Tuấn Linh (SN 1975) ở Thanh Xuân, Hà Nội đến tòa soạn điện tử Báo ANTĐ, chiều ngày 19-3, anh Linh điều khiển xe ô tô 5 chỗ ngồi từ khu đô thị Việt Hưng rẽ trái ra đường Nguyễn Văn Linh. Chiếc xe của anh Linh đi ở làn đường thứ 2 tính từ dải phân cách cứng giữa đường xuôi về hướng cầu Vĩnh Tuy. Đi được khoảng 300 mét, anh Linh bị tổ công tác của Đội CSGT số 5 ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra và xử phạt tạm giữ giấy phép lái xe về lỗi đi sai làn đường. Anh Linh cho rằng bản thân không phạm lỗi vì xe đi từ ngã ba Việt Hưng-Nguyễn Văn Linh và tại đây không có biển báo phân làn. Cũng trong đơn, anh Linh viết: “Sau khi được CSGT giải thích, tôi đã ký vào biên bản vi phạm nhưng vẫn băn khoăn không biết bản thân có vi phạm Luật Giao thông hay không; có được ghi ý kiến cá nhân vào biên bản xử lý vi phạm không?”.

Để làm rõ những thắc mắc của độc giả, chiều 23-3, PV Báo ANTĐ đã làm việc với Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 5. Theo Trung tá Tòng, vào 17h30 phút ngày 19-3, anh Trần Tuấn Linh điều khiển xe ô tô BKS 30M-7029 trên đường Nguyễn Văn Linh có vi phạm làn đường. Cụ thể anh Linh điều khiển xe đi làn thứ 2 tính từ dải phân cách cứng ở giữa đường. Làn đường này dành cho xe tải, xe khách. Tổ công tác của Đội CSGT số 5 đã giải thích, lập biên bản đúng lỗi đồng thời tạm giữ giấy phép lái xe của anh Linh theo quy định. Trong biên bản vi phạm hành chính, anh Linh cũng đã ký thừa nhận vi phạm của mình.

Người tham gia giao thông cần đi đúng làn để phòng tránh tai nạn

Trước ý kiến của anh Linh cho rằng bản thân không đi sai làn khi điều khiển xe từ trong khu đô thị Việt Hưng ra đường Nguyễn Văn Linh vì tại ngã ba này không có biển báo hướng dẫn. Trung tá Tòng cho biết: Tại đầu đường Nguyễn Văn Linh đã có biển báo quy định cụ thể về tốc độ, làn đường dành cho từng loại phương tiện. Trong Luật Giao thông đã quy định rất rõ, các làn đường dành cho từng phương tiện cụ thể. Dù tại ngã ba này không có biển báo nhắc lại nhưng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bất cứ ai cũng phải thuộc và chấp hành Luật Giao thông. Hơn nữa, tổ công tác đứng dưới ngã ba Việt Hưng-Nguyễn Văn Linh vài trăm mét nên không thể biết anh Linh có đi từ trong Việt Hưng ra hay không. Và cho dù có đi từ trong ngã ba này ra thì quyết định xử phạt lỗi vi phạm trên của tổ công tác vẫn hoàn toàn đúng.

Cũng theo Trung tá Tòng, trong biên bản vi phạm hành chính có 1 có một dòng ghi “Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm” để dành cho người vi phạm xác nhận lỗi, ký vào đó. “Ngoài việc để cho người vi phạm xác nhận lỗi, chúng tôi cũng rất mong nhận được những đóng góp và cả phản ánh của người tham gia giao thông đối với những bất cập giao thông để đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục. Cụ thể tại ngã ba này chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Sở GTVT cắm biển báo hướng dẫn để thuận tiện cho người dân và cả CSGT khi xử lý nhưng chưa được Sở GTVT triển khai” - Trung tá Tòng thẳng thắn.

Đại diện Đội CSGT số 5 cũng lưu ý, người tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông  không để xảy ra những vụ TNGT đáng tiếc.