Không chu cấp nuôi con sau ly hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi:  Vợ chồng tôi có 1 con chung. Theo phán quyết của Tòa án, sau ly hôn, tôi nhận nuôi con, vợ tôi kết hôn với người khác nhưng có nghĩa vụ phải chu cấp nuôi con là 6 triệu đồng/tháng đến khi cháu tròn 18 tuổi do tôi sức khỏe yếu. Tuy vậy, nhiều tháng nay, vợ cũ của tôi không thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng. Tôi gọi điện hỏi thì cô ta chửi bới, lăng mạ tôi. Xin luật sư cho biết, tôi phải làm thế nào trong trường hợp này? Nguyễn Nam (Hải Phòng)

Không chu cấp nuôi con sau ly hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ảnh 1Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời: Khoản 2, Điều 82, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 83, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Như vậy, sau khi có quyết định của tòa án về việc ly hôn và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, người vợ phải thực hiện việc cấp dưỡng của mình cho con theo số tiền mà tòa án đã quy định căn cứ vào nhu cầu sinh hoạt của trẻ, thu nhập thực tế.

Trường hợp vợ cũ của bạn không thực hiện nghĩa vụ, bạn có thể yêu cầu tòa án buộc người này thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo Điều 119. Theo đó, người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Nếu tòa án ra quyết định buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà người này vẫn không chấp hành thì có thể bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Không chu cấp nuôi con sau ly hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ảnh 2Không chu cấp nuôi con sau ly hôn có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa)

Việc trốn tránh nghĩa vụ không những bị xử lý về dân sự mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 18, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.