Không chọn cái bóng quá lớn của ngành nghề "hot"

ANTĐ - Trước kỳ tuyển sinh đại học 2016, việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh dường như mới chỉ tập trung tính toán ở đầu vào mà chưa có đủ thông tin để cân đối với đầu ra. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều. Hiện các chuyên gia tuyển dụng cùng nhà đào tạo đang đưa ra những định hướng tích cực và khá mới góp phần định hướng ngành nghề cho thí sinh và phụ huynh lựa chọn.

Không chọn cái bóng quá lớn của ngành nghề "hot" ảnh 1

Sai đầu vào, lệch đầu ra

Với con số hơn 600.000 sinh viên ra trường mỗi năm trên cả nước, tỷ lệ cử nhân chưa tìm được việc làm trong 3 tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp được Bộ GD-ĐT thống kê là hơn 40%. Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp sau ít nhất 16 năm vất vả đèn sách, đầu tư chi phí học tập từ phổ thông đến đại học vẫn lên tới hàng trăm nghìn người mỗi năm. Nguyên nhân ngoài vấn đề khách quan là chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu lao động thực tế, còn xuất phát từ phía người học khi họ đã sai lầm ngay từ lựa chọn đầu vào. Mục tiêu chính chỉ đơn giản là làm sao đỗ đại học cộng với “cái bóng” quá lớn của những ngành nghề luôn được đánh giá là “hot” như: Y - Dược - Quản trị kinh doanh - Kinh tế…; trong khi có rất nhiều chuyên ngành nhỏ đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, Hiệp hội đang tham gia chương trình Hội chợ việc làm JobFair 2015-2016 và tiếp nhận được hơn 3.000 vị trí tuyển dụng từ các doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nổi bật như: Marketing, CNTT, thương mại điện tử, khách sạn, nhà hàng, bất động sản, viễn thông, thời trang, tổ chức sự kiện, giáo dục… Từ kết quả có được cho thấy các ngành nghề này không phải là ngành đào tạo hút nhiều thí sinh nhất trong các trường ĐH, CĐ hiện nay.

Một thông tin nữa được Ths Hoàng Sơn Công, Phó Trưởng ban thông tin, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát trên 300 doanh nghiệp của đơn vị này cho thấy, thị trường lao động đang rất thiếu nhân lực thuộc các ngành CNTT, đồ hoạ, bán lẻ, marketing online. “Các vị trí này trong các doanh nghiệp đều đang rất cần người, đặc biệt là những lao động đa năng, có kiến thức về website, đồ họa, marketing. Tôi đảm bảo, cử nhân thỏa mãn yêu cầu này sẽ được các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa với mức lương chi trả cao”, ông Hoàng Sơn Công khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Huế, Giám đốc Công ty EZ Việt Nam cho biết, công việc môi giới bất động sản của công ty này luôn trong tư thế cần tuyển nhân viên với tiêu chí: sức trẻ, nhiệt huyết, khát vọng làm giàu - “Chúng tôi luôn muốn tạo điều kiện cho các cử nhân, thậm chí là sinh viên đang đi học có mong muốn bán hàng, kiếm tiền, thành công...

Công việc môi giới bất động sản thu được nhiều hay ít tiền tùy thuộc vào cá nhân, phụ thuộc vào việc bạn có dám thức khuya dậy sớm, làm cả ngày chủ nhật hay không. Mỗi người khi đã thiết kế được cho mình một thương hiệu cá nhân thì việc tìm kiếm khách hàng sẽ không còn khó khăn. Hiện công ty chúng tôi đang có những nhân viên là sinh viên trường ĐH Ngoại thương, ĐH Đông Đô làm việc và các bạn đều có thu nhập rất tốt”.

Học đại học 1 năm đã có thể kiếm tiền?

Đây không đơn giản chỉ là lời hứa hẹn mà TS. Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng trường ĐH FUNiX khẳng định khi trường này đưa ra phương pháp đào tạo CNTT hoàn toàn mới. Vấn đề được ông Nguyễn Thành Nam đặt ra là đến nay không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ. Đây là nguyên nhân vì sao ngành CNTT từ nhiều năm nay vẫn là ngành được ưu ái đối với các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, sinh viên CNTT tốt nghiệp từ những trường đại học có tiếng khi đi làm vẫn không thể thực hiện tốt các công việc cơ bản của dân IT như quản trị mạng, cài đặt Windows… là thực tế mà các nhà tuyển dụng phản ánh. Theo phân tích của TS. Nguyễn Thành Nam, rất nhiều chương trình đào tạo hiện hành cùng thói quen học tập bị động của sinh viên khiến ngành này không đạt được yêu cầu tự đổi mới để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nền công nghệ thế giới.

Thực tế đang diễn ra trên khắp giảng đường đại học trong nước, mặc cho nỗ lực của giảng viên để bài giảng sinh động hơn hay sự nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm của các cựu sinh viên thì đa số sinh viên vẫn thiếu quan tâm đến việc học hoặc học tập một cách gượng ép. Thế nhưng số sinh viên này lại đang tranh thủ từng giờ, từng phút để lướt newsfeed Facebook, cập nhật thông tin từ bạn bè, từ cuộc sống. Bạn Trần Minh Châu, sinh viên năm cuối của khoa CNTT một trường đại học danh tiếng chia sẻ, Facebook gây “nghiện” bởi nó thân thiện và dễ tiếp xúc, tâm sự, chia sẻ. 

Xuất phát từ nghiên cứu nghiêm túc về thói quen và xu hướng sử dụng công cụ online của giới trẻ hiện đại, ông Nguyễn Thành Nam cho biết: “FUNiX với mô hình đại học trực tuyến tích hợp nền tảng mới cho phép học viên học tập và trao đổi ngay trên Facebook. Với hình thức trao đổi online giữa các nhà cố vấn và sinh viên, các bạn có thể trao đổi và nhận được giải đáp ngay lập tức mỗi khi gặp khúc mắc. Điều này quan trọng, bởi nó mang tính kịp thời thay vì phải chờ đến giờ lên lớp. Sinh viên sẽ được hỗ trợ, được thúc đẩy thay vì phải gác đấy và mất đi hứng thú tìm hiểu, học hỏi”. Cách học thay đổi, sinh viên và người cố vấn có thể tương tác ở mọi nơi mọi lúc 24h/7 ngày chứ không bó hẹp như thời gian học trên giảng đường truyền thống.

Kiến thức được trao đổi trên diễn đàn đều có thông báo về điện thoại, cập nhật thường xuyên. Quan trọng là nội dung kiến thức được xây dựng hoàn toàn mới theo yêu cầu thực tiễn của ngành CNTT. “Sau 3 trên tổng số 8 chứng chỉ của cả khóa học, mỗi chứng chỉ học khoảng 4 tháng, sinh viên sẽ được FPTSoftware nhận vào làm việc với mức lương tùy theo vị trí được nhận. Thực tế, mỗi chứng chỉ mà sinh viên được công nhận đều được thiết kế để sinh viên có thể làm được việc tương ứng”, ông Nguyễn Thành Nam cho biết.  

Việc thay đổi mô hình, phương thức học tập, gắn kết việc làm và học hỏi, nghiên cứu, sử dụng tối đa phương tiện mạng đang khiến đào tạo CNTT chuyển hướng và hứa hẹn sẽ đào tạo được  những cử nhân đa năng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. 

Quý III - 2015 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số liệu thị trường lao động cả nước trong quý III - 2015 cho thấy,  tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn cao (7,3%), gấp hơn 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước là 2,35%). Đáng lưu ý, có tới 117,3 nghìn người có trình độ CĐ chuyên nghiệp và 225,5 nghìn người có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp. 

Như vậy, nhóm người có trình độ CĐ và ĐH trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng. Chuyển dịch cơ cấu lao động rõ nét hơn khi số người có việc làm tăng mạnh ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác và giảm ở ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... 

Tránh chọn ngành theo phong trào

Để chuẩn bị tốt nhất cho các bạn học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2016, chúng tôi đã phải định hướng ngay từ khi vào lớp 10. Các em đều được cân nhắc kỹ, lựa chọn những bộ môn phù hợp với khối ngành các em dự định thi để xét tuyển đại học.

Đặc biệt, nhà trường thường xuyên mở cửa từ đầu năm học cho các trường đại học trong và ngoài nước cập nhật, giới thiệu thông tin tuyển sinh đến học sinh của trường. Thông tin được phân loại theo ngành nghề, mức điểm đầu vào, dán vào bảng tin cho từng lớp 12 để các em tìm hiểu. Lâu nay học sinh thường chỉ chọn ngành nghề theo bạn bè chứ chưa có chính kiến cá nhân.

Việc tiếp cận thông tin từ các trường đại học sẽ giúp các em định hình dần và có hứng thú, quan tâm tới những ngành nghề đào tạo các em chưa biết. Từ đó, các em sẽ tự quyết định ngành nghề theo năng lực, sở thích thay vì đăng ký theo phong trào hay theo sự áp đặt của phụ huynh.

Bà Vũ Thị Phương Anh (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội)

Hoạt động xã hội giúp tìm việc phù hợp

Không chọn cái bóng quá lớn của ngành nghề "hot" ảnh 2
Để thành công, tìm được việc làm theo đúng mong muốn, sinh viên đại học ngoài học tập chăm chỉ, quan trọng vẫn là việc tự rèn luyện, nắm bắt cơ hội. Chính vì vậy, hoạt động xã hội đối với sinh viên khi đang đi học là rất cần thiết. Kinh nghiệm 4 năm tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc với nhiều người, nhiều công việc sẽ hình thành kỹ năng và có trách nhiệm với bản thân và xã hội, để mình phải giao lưu, học hỏi, hoàn thiện bản thân.

Mối quan hệ được xác lập trong quá trình hoạt động này cũng rất quan trọng, giúp thúc đẩy công việc sau này của các bạn. Khi tham gia hoạt động xã hội sẽ được tiếp cận với những doanh nghiệp, tổ chức mà sinh viên bình thường rất khó tiếp cận. Đây là bệ phóng vững chắc cho các cử nhân sau 4 năm học tập để có thể tìm được những công việc phù hợp.

Ông Vũ Anh Long (Chủ tịch CLB Hãy cùng hát vang)