Không chịu bó tay

ANTĐ - Với dân số 94 triệu người, Việt Nam là một thị trường đầy hấp dẫn. Song, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, phần thị trường màu mỡ còn lại đang nằm trong tay các đại gia “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Không lẽ, các doanh nghiệp Việt bó tay ngồi nhìn làn sóng hàng ngoại đang lấn tới, nhấn chìm hàng nội ngay trên sân nhà?

Hiện trên cả nước có 700 siêu thị, trung tâm thương mại và hàng trăm cửa hàng tiện ích. Theo kế hoạch, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm, với kỳ vọng đẩy mạnh tỷ lệ bán lẻ của Việt Nam lên 45%.

Đó là dự tính nay mai, còn hiện tại thì sao? Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đuối sức trước cuộc đổ bộ rầm rộ của các đối thủ ngoại đầy tiềm lực tài chính, trình độ quản lý cao siêu và lọc lõi kinh nghiệm thương trường. Có thể điểm mặt Tập đoàn Berli Jucket (Thái Lan) đã mua đứt 24 cửa hàng Farmily Mart, đồng thời  thâu tóm chuỗi Metro Việt Nam. Mới đây, cũng đại gia Thái Lan Central Group mua lại một nửa siêu thị Nguyễn Kim, Big-C. Chưa kể sự có mặt và xâm lấn ngày càng mạnh của các “ông lớn” bán lẻ sừng sỏ như Aeon (Nhật Bản), Lotte mart (Hàn Quốc), Pháp, Mỹ...

Thị trường bán lẻ nội địa phải mở rộng cửa cho các công ty, tập đoàn nước ngoài là điều tất yếu. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, phát triển thị trường bán lẻ gặp khó không chỉ xuất phát từ các nhà kinh doanh bán lẻ Việt còn nhiều yếu kém, mà còn do chính các nhà sản xuất trong nước chưa ý thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối, chưa quan tâm tới vấn đề marketing, xây dựng thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Một điều đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp Việt luôn coi thị trường trong nước là nhỏ bé, coi hàng nội địa chỉ để... quảng cáo. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó vẫn xuất hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam không cam phận, đã mạnh dạn đầu tư có bài bản, với chiến lược lâu dài và đường đi nước bước thận trọng, dần chiếm lĩnh thị trường, thị phần ngay trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Tập đoàn Vingroup là một trong số ít doanh nghiệp Việt đi tiên phong mở đường trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, không cân sức, cân tài với các đối thủ nặng ký trong khu vực và thế giới.

Cạnh tranh từ rau sạch, gạo sạch, thịt sạch trong các siêu thị cho tới những mặt hàng điện máy, tiêu dùng cao cấp, thương hiệu Vinmart, VinEco, VinPro... của Vingroup đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nội địa mặc dù chưa thể áp đảo các nhà bán lẻ tầm cỡ, song điều đáng mừng là đã lấy được lòng tin của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam.

Giới chuyên gia thị trường khẳng định, vấn đề sống còn là phải kết nối, gắn chặt các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất trong nước thành một “bó đũa” như Vingroup đang nỗ lực làm thì sẽ tạo ra sức mạnh đối trọng với các nhà bán lẻ nước ngoài. Việt Nam rất cần có thêm nhiều những tập đoàn như thế.