Cục cảnh sát QLHC về TTATXH yêu cầu ĐH Hùng Vương bàn giao dấu vào 9h ngày 22-11-2013

Không chịu bàn giao dấu, lối thoát nào cho ĐH Hùng Vương?

ANTĐ - Những ngày giữa tháng 11-2013, có thể sẽ là những ngày cay đắng nhất trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, khi mà 1.563 sinh viên trường ĐH Hùng Vương phải chuyển sang 4 trường đại học khác để thi năm cuối và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học. Đứng trước quyền lợi của 1.563 con người, Bộ GD-ĐT đã phải đồng ý với đề xuất của UBND TP.HCM bỏ qua một số quy chế do chính mình xây dựng để áp dụng “luật con người”, tạo điều kiện cho các em kết thúc khóa học quan trọng nhất đời người. 

Và từ ngày 16-11, các em đã bắt đầu vào kỳ thi một cách an lành. Tuy nhiên, những vấn đề của trường ĐH Hùng Vương vẫn còn đó và số phận của hàng nghìn học sinh của hai khóa sau vẫn còn đó, đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại một cách toàn diện những khúc mắc, vạch rõ những vi phạm pháp luật tại đây, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ để đảm bảo quyền lợi cho các học trò. Sự hoang mang, sự trách cứ của những sinh viên đối với những người thầy của mình, đối với các cơ quan có trách nhiệm, ở một góc độ nào đó là có lý.

Những hành vi khó chấp nhận ở Đại học Hùng Vương

Trước khi chuyển sang loại hình tư thục, ngày 13-6-2009, Hội đồng quản trị (HĐQT) của trường do ông Lương Ngọc Toản làm Chủ tịch đã ký biên bản góp vốn với năm đơn vị, trong đó ông Đặng Thành Tâm là nhà đầu tư chính của trường. Ngày 8-1-2010, phiên họp lần thứ 58 của HĐQT của ĐH Hùng Vương do Chủ tịch HĐQT Lương Ngọc Toản ký, có ghi rõ: vốn điều lệ của trường khi tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu khi chuyển sang hình thức tư thục là 37 tỷ đồng (trong đó phía trường sẽ góp vốn 17 tỷ đồng - từ nguồn tích lũy được trong quá trình hoạt động của trường; phía các nhà đầu tư đóng góp 20 tỷ. Tháng 2-2010 trường xây dựng đề án chuyển đổi do ông Lương Ngọc Toản, Chủ tịch HĐQT ký gửi Thủ tướng và Bộ GD-ĐT. Sau đó, ngày    19-5-2010, Thủ tướng ban hành Quyết định 703/CP về việc chuyển ĐH Hùng Vương sang hình thức tư thục với thành phần HĐQT như đề nghị của đề án.  Ngay sau đó số tiền đầu tư đã được chuyển đủ cho quỹ của ĐH Hùng Vương. Và HĐQT đã tổ chức Đại hội cổ đông và cử ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT, ông Lê Văn Lý làm Hiệu trưởng. HĐQT của trường hoạt động theo Luật Giáo dục và các Quyết định 61/2009/Ttg và Quyết định 63/2009/Ttg của Thủ tướng Chính phủ. 

Tuy nhiên mâu thuẫn đã nổ ra. Đến lúc này Hiệu trưởng Lê Văn Lý đã không công nhận vai trò của HĐQT, không công nhận ĐH HV là đại học tư thục, công khai không thực hiện các quyết định của HĐQT. Mâu thuẫn nghiêm trọng dẫn đến Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với ĐH Hùng Vương TP.HCM. Đồng thời UBND TP.HCM cũng ra quyết định đình chỉ chức vụ đối với Hiệu trưởng Lê Văn Lý và Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm vào tháng 3-2012. Tuy nhiên việc trao quyết định này đã trở thành một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi ông Đặng Thành Tâm tuân thủ và ngay lập tức từ chức Chủ tịch HĐQT thì ông Lê Văn Lý đã tổ chức lực lượng, không những không nhận quyết định mà còn giữ trái pháp luật toàn bộ tổ công tác do Giám đốc Sở Nội vụ dẫn đầu và một số thành viên HĐQT suốt một buổi, bắt tổ công tác ký các văn bản trái pháp luật. 

Đến ngày 14-6-2013 sau khi HĐQT ĐH Hùng Vương có báo cáo khẩn cấp về việc xuất hiện “Hội đồng tư vấn bảo trợ” trái quy định tại ĐH Hùng Vương và hiện tượng phát tán trái phép các tài liệu có nội dung chính trị không rõ ràng trong trường, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM - đã ra Quyết định số 3163/QĐ-UBND “Không công nhận Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đối với ông Lê Văn Lý… Ông Lê Văn Lý có trách nhiệm bàn giao nhiệm vụ, con dấu, các hồ sơ sổ sách có liên quan đến chức vụ Hiệu trưởng cho HĐQT trường ĐH Hùng Vương trong thời hạn 7 ngày…”. Nhưng ông Lý không chấp nhận. Trong suốt thời gian này, ông Lý dùng con dấu đóng vào nhiều giấy tờ không hợp lệ, triệu tập “Đại hội đồng cổ đông bất thường” ngày 26-6-2013 với những thành phần không đúng với QĐ 703/CP, bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng trái phép. Cho đến nay, ông Lý cũng không bàn giao tài sản và con dấu của ĐH Hùng Vương.

Ngày 2-7-2013, một lần nữa văn phòng UBND TP.HCM ra thông báo số 479/TB-VP, yêu cầu ông Lý thực hiên Quyết định 3163/UBND nhưng ông Lý không thực hiện. Ngày 4-7 Sở GD- ĐT TP.HCM cũng có văn bản không công nhận đại hội cổ đông bất thường do ông Lý tổ chức ngày 26-6-2013. Cuối tháng 8-2013, đoàn công tác của Tổng cục Cảnh sát đã làm việc với ĐH Hùng Vương để kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu của trường. Tuy nhiên, người đang giữ con dấu là ông Ngô Đình Linh (nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp) không hợp tác và không bàn giao con dấu cho cơ quan chức năng.

Văn phòng Chính phủ cũng vừa có công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc đình chỉ sử dụng con dấu của trường, giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức thu hồi con dấu của trường. 

Lý lẽ của ông Lê Văn Lý

Trước cán bộ, sinh viên ĐH Hùng Vương, ông Lý thường xuyên có những phát ngôn không thừa nhận HĐQT nhà trường, không chấp nhận vai trò quản lý Nhà nước của UNND TP.HCM. Những khiếu kiện của ông Lý và những người cùng phe là việc lợi dụng kết quả kiểm toán ngày 30-12-2009 cho rằng tài sản của trường ĐH HV là 20 tỷ đồng và các nhà đầu tư không tuân thủ thời điểm chuyển tiền góp vốn trong thỏa thuận góp vốn ngày 13-6-2009, phủ nhận tỷ lệ cổ đông trong HĐQT để phủ nhận HĐQT được Thủ tướng và UBND TP.HCM công nhận. Ông Lý quên rằng việc xác định số vốn góp của trường đại học dân lập khi chuyển đổi là 17 tỷ đồng do HĐQT của Đại học dân lập Hùng Vương xác nhận, trong mọi văn bản đều có chữ ký của ông Lý. Nay nếu có xác định được thêm tài sản của trường thì việc điều chỉnh theo đúng các quy định pháp luật sẽ do HĐQT của ĐH Hùng Vương xử lý. Còn thời gian góp vốn là do thỏa thuận của nhà trường và các nhà đầu tư, trên thực tế, ĐH Hùng Vương đã nhận đủ số vốn góp. Và ông Lý cũng đã dự đầy đủ các cuộc họp của HĐQT, chấp thuận sự bổ nhiệm của HĐQT vào chức vụ Hiệu trưởng. Tại sao khi thấy ảnh hưởng đến quyền và lợi của mình ông lại phủ nhận chính ông? 

Lý lẽ thứ hai theo ông là UBND TP.HCM không có quyền không công nhận ông là Hiệu trưởng. Các Quyết định 61/2009/Ttg, 63/2009/Ttg trước đây và Luật Giáo dục Đại học 2012 đã phân cấp cho UBND TP tỉnh, thành phố nhiệm vụ công nhận và không công nhận chức vụ Hiệu trưởng các trường đại học ngoài công lập trên địa bàn. Và việc UBND TP.HCM không công nhận ông là hiệu trưởng ĐH Hùng Vương là đúng luật. 

Lý lẽ thứ ba về việc bàn giao con dấu, việc người của ông Lý là ông Linh tuyên bố chỉ bàn giao con dấu cho Hiệu trưởng chính thức là sai các quy định pháp luật. Ngay khi HĐQT bổ nhiệm hiệu trưởng tạm quyền thì người đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng tạm quyền đó là hiệu trưởng hợp pháp trong thời gian tạm quyền, có đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm hiệu trưởng, đúng hơn là người đó là hiệu trưởng chính thức trong thời gian tạm quyền. 

Và những sai phạm

Trong báo cáo ngày 17-8-2012 của Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan để ổn định tình hình hoạt động của trường ĐH Hùng Vương TP. HCM thuộc UBND TP.HCM cũng đã nêu: “Ông Lê Văn Lý đã có những sai phạm như sau: vi phạm quy chế tuyển sinh và đào tạo của Bộ GD-ĐT; vi phạm về thực hiện kê khai và đóng thuế; không chấp hành nghị quyết của HĐQT trường; không chấp hành chỉ đạo của UBND TP; vi phạm pháp luật về quản lý con dấu”.

Về hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh, theo chính kết luận thanh tra, trường ĐH HV đã tuyển quá chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT phân bổ tới 30% trong giai đoạn 2005-2008. 

Về hành vi sai phạm về quản lý tài chính, việc Sở Thuế TP.HCM phát hiện hành vi không kê khai thu nhập, không mở tờ khai thuế để trốn thuế 3,7 tỷ đồng, phải nộp phạt 1,7 tỷ đồng, dẫn dến thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách của trường. Việc sử dụng mặt bằng được thuê không hợp lý, lãng phí và nhiều chứng từ không hợp lệ. Trường ĐH Hùng Vương còn lập ra nhiều loại quỹ không rõ ràng với số tiền rất lớn. Chỉ riêng ba loại quỹ: dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển và quỹ khen thưởng phúc lợi, tính đến ngày 31-12-2009, số dư đã hơn 16 tỉ đồng. Những hành vi này cần được cơ quan công an xác minh điều tra, làm rõ.

Về hành vi không chấp hành các nghị quyết của HĐQT: từ tháng 3-2011 ông Lý chưa bao giờ công nhận và thực hiện các nghị quyết của HĐQT. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước là UBND TP HCM, việc không nhận quyết định không công nhận là hiệu trưởng, việc không bàn giao chức vụ hiệu trưởng, việc tổ chức gây khó khăn cho các hoạt động giáo dục của trường là hành vi không chấp nhận được. 

Quan trọng hơn cả những hành vi của ông Lý và những người cùng phe đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 6000 cán bộ và sinh viên của trường, làm chậm thời gian ra trường của 1563 sinh viên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính và uy tín của ĐH HV.

Cần nhanh chóng ổn định nhà trường  

Con đường ổn định tình hình tại trường ĐH HV đã được Chính phủ khẳng định tại văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng: Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức thu hồi con dấu của trường. Đồng thời xác minh, điều tra làm rõ các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng con dấu và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc kiện toàn bộ máy của trường ĐH Hùng Vương theo đúng quy định pháp luật. Sau khi ổn định tổ chức mới tiếp tục cho phép sử dụng con dấu. 

Theo tin mới nhất ngày 15/11/2013, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, Bộ Công an đã giao cho ĐH Hùng Vương văn bản số 1613/CV-C64-P2 yêu cầu những người đang giữ con dấu của ĐH Hùng Vương phải bàn giao con dấu cho Cục Cảnh sát QLHC về TTATXH vào lúc 9h ngày 22-11-2013, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.