Không chỉ là những khẩu hiệu suông

ANTĐ - Hôm nay, 5-6, tròn 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, để rồi, với lòng yêu nước, yêu dân tộc vô tận của Người, với tư tưởng đúng đắn và đạo đức sáng ngời, Người đã không chỉ mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, mà còn để lại một di sản quý báu về đạo đức cho lớp lớp người noi theo.

Đến nay, Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi qua gần chục năm, được triển khai sâu rộng trong các cấp chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở, trong tất cả các cơ quan, tổ chức; lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân...  

Chúng ta đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận từ cuộc vận động ý nghĩa này. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Chính trị, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu, còn phải tiếp tục học nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cán bộ Nhà nước là những người cần có sự nhận thức, chuyển biến mạnh mẽ về đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức của Người. Bởi đội ngũ cán bộ của ta hiện nay học hàm, học vị rất nhiều nhưng đạo đức, phong cách làm việc, ứng xử với dân, phục vụ người dân chưa đạt.

Nguy hiểm hơn, một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất đã làm cản bước sự phát triển của đất nước, làm suy thoái niềm tin của nhân dân vào chế độ. Trong đó, những vấn đề nổi cộm như tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cán bộ quan liêu, nhũng nhiễu người dân, công chức “cắp ô” vẫn còn phổ biến... không những không giảm mà còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, không chỉ khiến người dân bức xúc mà còn là rào cản mọi nỗ lực hội nhập, phát triển kinh tế của đất nước. 

Năm 2016, Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã chọn chuyên đề về nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm. Về vấn đề này, Bác Hồ chỉ dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được… Trước hết, mình phải làm gương…, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa”.

Để chống việc nói một đằng làm một nẻo thì mỗi cán bộ phải xác định rõ trách nhiệm của mình. “Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung đại khái, dẫn đến nói chung, ai cũng nói được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào. Nói đi đôi với làm yêu cầu phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả của việc thực hiện những công việc đã đề ra, không thể làm theo lối quan liêu, như cách “tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã…” - Bác viết. 

Có thể nói, nếu mọi cán bộ đều thấm nhuần tư tưởng này, thì sẽ tạo chuyển biến vô cùng mạnh mẽ trong bộ máy Nhà nước hiện nay. Bởi thực tế là chúng ta đang có rất nhiều lời nói hay, nhiều khẩu hiệu quyết liệt, cơ quan, ngành nghề nào cũng phải có khẩu hiệu. Nhưng đáng tiếc là tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng làm một nẻo”, “nói mà không làm”, “nghĩ một đằng, nói một nẻo” lại khá phổ biến, gây ỳ trệ cả bộ máy, mất niềm tin trong nhân dân.

Nhưng cũng đáng mừng là thời gian gần đây, đã có những vị cán bộ khiến người dân thực sự yêu quý, khi có những việc làm quyết liệt, thể hiện trách nhiệm của mình với nhân dân. Từ việc trực tiếp đến với dân, giải quyết những vấn đề bức xúc trên địa bàn, trong lĩnh vực mình quản lý đến việc kiên quyết loại bỏ những cán bộ thiếu trách nhiệm... 

Rõ ràng, trong thời đại thông tin đa chiều như hiện nay, người dân có thể giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan công quyền, dần dần, sẽ rất khó có chỗ cho những cán bộ theo kiểu nói một đằng, làm một nẻo. Vì vậy, ngay từ trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta hãy thực hiện một cách nghiêm túc, chứ không chỉ là những khẩu hiệu suông.

Tin cùng chuyên mục