Không chậm chân trước tốc độ biến đổi của virus SARS-CoV-2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang có xu hướng suy giảm. Tuy nhiên, sự xuất hiện một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh hơn, trong khi mức độ nguy hiểm của các biến thể này còn chưa được đánh giá hết, đang đặt ra thách thức mới với thế giới trong cuộc đua sống còn với đại dịch thế kỷ.
Quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 giai đoạn 1 ở Việt Nam đã thành công

Quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 giai đoạn 1 ở Việt Nam đã thành công

Cuộc đua sống còn với virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 21-2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có gần 112 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó gần 2,5 triệu ca tử vong. Dịch bệnh trên toàn cầu vẫn căng thẳng nhưng những tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Theo số liệu của Reuters, các ca nhiễm mới Covid-19 được báo cáo hàng ngày trong một tháng trên toàn thế giới đã giảm và xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10 vào ngày 18-2. Riêng trong tuần đầu tháng 2, số ca mắc mới Covid-19 trung bình trên toàn thế giới là 412,7 nghìn ca/ngày, giảm gần một nửa so với mức 743 nghìn ca trong tuần đầu của tháng 1-2021.

Việc triển khai đại trà chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cùng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới đã đem lại kết quả khả quan. Tính đến nay, 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân và gần 200 triệu liều đã được tiêm. Trong đó, Gibraltar - lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở cực Nam của Tây Ban Nha đang dẫn đầu thế giới với 40% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Thông qua chương trình COVAX, một sáng kiến nhằm đảm bảo các nước nghèo có thể tiếp cận với vaccine, khoảng 336 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca-Oxford và 1,2 triệu liều của hãng Pfizer sẽ được chuyển tới các nước trên thế giới vào cuối tháng 2 này.

Nhưng để chiến thắng hoàn toàn Covid-19 thì chặng đường phía trước còn rất gian nan. Trước hết, việc đáp ứng nhu cầu khoảng 10 tỷ liều vaccine trên toàn thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Năng lực sản xuất hạn chế dẫn tới sự thiếu hụt lớn vaccine trong ngắn hạn và trung hạn. Hơn nữa, việc phân bổ vaccine lại không đồng đều giữa khu vực giàu nghèo, khi mà hơn 3/4 số vaccine được giao là ở 10 quốc gia giàu nhất thế giới, còn khoảng 130 quốc gia với tổng số 2,5 tỷ dân thì vẫn đứng ngoài các chương trình tiêm vaccine.

Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 lại đang biến đổi với tốc độ chóng mặt. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Anh phụ trách công tác tiêm chủng vaccine Nadhim Zahawi, đến nay trên thế giới đã có khoảng 4 nghìn biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Nhiều biến thể mới có tốc độ lây lan rất nhanh. Chẳng hạn, biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên phát hiện tại Anh đã xuất hiện tại 94 quốc gia vào vùng lãnh thổ. Biến thể phát hiện tại Nam Phi đã xuất hiện tại 46 quốc gia và biến thể phát hiện tại Brazil đã xuất hiện tại 21 nước.

Một số biến thể lại chứa đột biến được cho là có thể kháng các loại vaccine đang lưu hành. Điều này đặt thế giới trước thách thức làm sao để không chậm chân trước tốc độ biến đổi của những con virus SARS-CoV-2. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã phải lên tiếng cảnh báo rằng trong bối cảnh virus và các biến thể của SARS-CoV-2 đang lây lan khắp thế giới, an ninh toàn cầu chỉ có thể được bảo đảm khi mọi người được bảo vệ như nhau.

Rõ ràng, việc tìm ra các loại vaccine ngừa Covid-19 sẽ không thể giúp chấm dứt đại dịch nếu các nước trên thế giới không được nhận vaccine một cách nhanh chóng và công bằng. Giới chuyên gia khẳng định, nếu vaccine không được phân phối công bằng hơn, có thể phải mất vài năm thế giới mới có thể kiểm soát được đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.

Việt Nam chủ động với các nguồn vaccine cho người dân

Với Việt Nam, chúng ta đang phải đối mặt với đợt 3 của dịch Covid-19. Nhờ nỗ lực của cả cộng đồng, chúng ta đã ứng phó khá hiệu quả với dịch bệnh, bảo đảm được “mục tiêu kép” vừa ngăn chặn dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để chiến thắng hoàn toàn đại dịch, đưa nhịp sống trở lại bình thường, yếu tố quyết định vẫn phải là sớm triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong bối cảnh thế giới đang có từ 5 - 10 triệu người được tiêm vaccine mỗi ngày, cuộc chiến với Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn mới và Việt Nam cũng không thể chậm chân.

Trong phiên họp đầu tiên hôm 18-2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đã đồng ý với chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân. Kinh phí mua, vận chuyển và bảo quản được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: “Nhập khẩu vaccine phòng, chống Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”. Thủ tướng yêu cầu trong tháng 2 phải có vaccine từ nguồn của các tổ chức Liên hợp quốc và nguồn mua.

Trước mắt, Bộ Y tế đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204 nghìn liều vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca do SK Bioscience Co Limited-Hàn Quốc sản xuất. Dự kiến, ngày 28-2, lô vaccine đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam. Đồng thời, khoảng 4,88 triệu liều vaccine của chương trình COVAX cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, trước mắt Việt Nam sẽ có thể triển khai tiêm mũi vaccine thứ nhất cho hơn 5 triệu người.

Bộ Y tế cũng đã đàm phán về các hợp đồng với tổng số 60 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người dân. Trong đó, riêng chương trình COVAX cam kết cung cấp 30 triệu liều, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Các cuộc đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna cũng đang được tiến hành nhằm thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc đảm bảo vaccine cho người dân.

Tuy nhiên, để bảo đảm tiêm đủ cho toàn dân trong năm 2021, theo ước tính, Việt Nam phải có 150 triệu liều vaccine. Điều đó đặt ra yêu cầu là ngoài số vaccine nhập khẩu và được tài trợ, Việt Nam phải thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, sử dụng vaccine trong nước. Hiện nay, vaccine Nano Covax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen của Việt Nam phát triển đã hoàn thành tốt giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng, bảo đảm tính an toàn, sinh kháng thể phòng bệnh, chống được SARS-CoV-2. Giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng trên 560 người sẽ diễn ra trong tuần này.

Nhờ tiến hành đồng thời tại 2 điểm cầu là Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia vào nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An), quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 dự tính có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Như vậy, khoảng đầu tháng 5-2021, Việt Nam có thể chuyển sang giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 10 nghìn đến 15 nghìn người tham gia, trước khi bước vào sản xuất để bảo đảm nguồn cung trong nước.