Không cấm sử dụng nhà ở để kinh doanh nhưng sẽ phạt nặng

ANTĐ - Mới đây, trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đã kiến nghị cấm sử dụng nhà ở làm nhà nghỉ và sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh một số ngành nghề. Tuy nhiên, phần dự thảo này sau đó đã phải bãi bỏ trước sự phản đối quyết liệt của dư luận.

Hơn 3 năm trước, Bộ Xây dựng cũng đã từng đưa ra quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, nhưng sau đó đã phải có những điều chỉnh nhất định nhằm phù hợp với thực tế. Những tưởng những quy định này sẽ được xem xét cẩn trọng và chắc chắn sẽ không đi vào đời sống.  Thế nhưng, mới đây, căn cứ vào đề nghị của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 30/11/2013, xử phạt hành chính các hành vi sử dụng nhà ở trong chung cư và biệt thự vào một số mục đích kinh doanh mà dự thảo Luật Nhà ở đã được Bộ Xây dựng thừa nhận là bất cập và bỏ ra khỏi dự thảo.

Các hành vi chưa có quy định cấm nhưng sẽ bị xử phạt gồm những điểm đáng quan tâm sau: Phạt tiền đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư sau đây: Kinh doanh nhà hàng, karaoke, vũ trường; Sửa chữa xe máy, kinh doanh gia súc, gia cầm, hoạt động mổ gia súc; Nuôi gia súc, gia cầm tại phần sở hữu, sử dụng riêng làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ dân khác; Sử dụng hoặc cho người khác sử dụng phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng trái mục đích quy định; Kinh doanh ga, các vật liệu nổ, dễ cháy. Vi phạm tại các biệt thự có thể bị phạt tới 80 triệu đồng. Mặc dù sử dụng chung cư, biệt thự làm nhà nghỉ không thấy trong danh mục hành vi bị phạt, nhưng lại có điều khoản: Xử phạt đến 4 triệu đồng cho hành vi: Cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở hoặc cho thuê nhà ở mà không lập hợp đồng theo quy định. Còn quy định thế nào thì chưa thấy nói.

Như vậy chúng ta có thể thấy mặc dù Bộ Xây dựng rất nhanh chóng tiếp thu các ý kiến đóng góp của báo chí và dư luận nhưng thật ra Bộ Xây dựng không hề thay đổi quan điểm về những điều trong dự thảo. Chúng ta có thể hiểu việc đề nghị Chính phủ thông qua NĐ121/2013/CP, chỉ để trả lời dư luận rằng: Các anh muốn những điều này không có trong Luật Nhà ở? Được ngay. Nhưng nó sẽ có ở các văn bản quy phạm pháp luật khác. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Điều đáng ngạc nhiên trong các hành vi sẽ bị xử phạt, có những hành vi xâm phạm lợi ích của chủ sở hữu nhà ở. Ví dụ như: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo, viết, vẽ bên ngoài nhà ở trái quy định. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mầu sắc để sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư trái quy định. Và cũng chưa ai biết những quy định là quy định nào.

Trong khi các mức phạt sẽ rất nặng cho việc sử dụng nhà ở và chung cư thì mức phạt dành cho các chủ đầu tư trong các hoạt động đầu tư xây dựng lại rất nhẹ. Sai phạm trong quản lý chất lượng công trình gây sập đổ các công trình xung quanh các công trình lớn cũng chỉ là 30 triệu đồng, xây dựng sai thiết kế bị xử phạt 30 triệu đồng, giải phóng mặt bằng sai quy hoạch, áp giá đền bù sai cũng chỉ phạt đến 40 triệu đồng… Thật là ưu đãi lớn đối với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở vì chỉ cần thực hiện trót lọt một hành vi vi phạm trên họ đã có thể bỏ túi nhiều tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Có lẽ sau những quy định này sẽ có nhiều người tham gia đầu tư xây dựng nhà ở. 

Tuy nhiên cũng phải thấy rõ, NĐ121/2013/CP đã có nhiều tiến bộ trong cập nhật các vi phạm trong sử dụng và quản lý nhà ở. Nhiều hành vi trước đây, mặc dù gây hậu quả lớn cho môi trường cũng như đời sống dân sinh trong đô thị nhưng chưa có quy định pháp luật xử lý, nay đã có quy phạm pháp luật để xử phạt. Đáng tiếc, Nghị định này chưa được đưa ra dư luận để nhân dân đóng góp ý kiến. Nếu có, chắc chắn những bất cập trên sẽ được khắc phục. Dư luận mong đợi những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết thi hành các điều khoản của Nghị định này sẽ khắc phục được các bất cập trên.