Không bị tử hình và chuyển thành tù chung thân phải đáp ứng 2 điều kiện

ANTĐ - Đó là khẳng định của đại diện Bộ Tư pháp trước các cơ quan báo chí trong cuộc họp báo thường kỳ quý IV-2015, tại Hà Nội vào sáng nay (31-12).

Trước đó, thông tin với đông đảo các cơ quan báo chí, ông Trần Tiến Dũng – Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27-11-2015. Hiện, Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch để triển khai thi hành BLHS với các nội dung cơ bản tương ứng.

Về nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung trong BLHS vừa được Quốc hội thông qua, Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, đó là quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi; thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng nhiều tội danh; nội hóa các quy định liên quan đến điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên và bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình.

Cụ thể, việc bãi bỏ án tử hình trong BLHS sẽ được áp dụng đối với 8 tội danh. Trong đó có 5 tội bãi bỏ hoàn toàn gồm: tội hoạt động phỉ; tội cướp tài sản; tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch. Các tội bỏ án tử hình trên cơ sở tách ra từ các tội ở BLHS cũ gồm: tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt ma túy.

Còn ở nội dung mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình gồm có: người phạm tội từ 75 tuổi trở lên hoặc ở thời điểm bị đưa ra xét xử, người phạm tội từ đủ 75 tuổi trở lên và 2 trường hợp không thi hành án tử hình, đồng thời chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Lý giải về việc hạn chế hình phạt tử hình trong BLHS vừa được sửa đổi, bổ sung, đại diện Bộ Tư pháp khẳng định đó chủ trương, chính sách mang tính nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với những người lầm lỗi. Bên cạnh đó, việc hạn chế hình phạt tử hình cũng là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đồng thời để phù hợp hơn với xu hướng quốc tế.

Trước câu hỏi của một số phóng viên về tội phạm tham nhũng được giảm án tử hình xuống tù chung thân hay nói đúng hơn là không thi hành án tử hình đối với người đã bị quy kết mức án cao nhất, đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, người đó phải đảm bảo đầy đủ 2 điều kiện bắt buộc là khắc phục ít nhất 3/4 hậu quả về kinh tế (nộp lại 3/4 số tiền chiếm đoạt) và tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc lập công chuộc tội.

“Trường hợp hội tụ đầy đủ cả 2 điều kiện nêu trên thì người bị kết án tử hình mới có thể được xem xét không áp dụng thi hành án tử hình và đồng thời sẽ được chuyển thành tù chung thân” – đại diện Bộ Tư pháp chỉ rõ.    

Tin cùng chuyên mục