Không bắt buộc phải thi “3 chung”

ANTĐ - Ngày 12-12, thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã được lãnh đạo  Bộ GD-ĐT trao đổi với báo chí cùng với việc công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh. Điều này được cho là sẽ tác động và thay đổi lớn về cách dạy và học ở bậc phổ thông.

Năm 2014 sẽ khởi động việc tuyển sinh riêng thay vì chỉ tập trung thi “3 chung”

- Tự chủ tuyển sinh bắt đầu được thực hiện từ năm nay, vậy kỳ thi “3 chung” có còn tiếp tục thực hiện? 

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Các trường có đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng nếu đáp ứng đúng quy định về tự chủ tuyển sinh sẽ được Bộ GD-ĐT xác nhận và có thể triển khai ngay trong năm 2014. Tuy nhiên, để giúp các trường chưa đủ điều kiện tuyển sinh riêng, Bộ vẫn tiếp tục tổ chức “3 chung” trong 3 năm nữa. 

- Được biết đa số các trường ngoài công lập có nhu cầu tuyển sinh riêng, vậy lãnh đạo Bộ có bình luận gì?

- Vụ trưởng phụ trách nghiên cứu đổi mới công tác thi Ngô Kim Khôi: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã nhận được đề án của 17 trường. Hiện Bộ mới chính thức công khai dự thảo quy định tự chủ, sau khi công bố quy định này, các trường công lập, ngoài công lập thấy đủ điều kiện đáp ứng quy định thì sẽ tự chủ tuyển sinh. Bộ sẽ hậu kiểm trên cơ sở văn bản pháp quy này cũng như cam kết của các trường.

- Vậy sau 3 năm nữa Bộ sẽ bỏ thi “3 chung”?

- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh: Bộ sẽ duy trì thi “3 chung” theo lộ trình 3 năm để kết thúc vai trò lịch sử của phương thức thi này vì khi đổi mới giáo dục, nó không còn đáp ứng được yêu cầu đổi mới nữa.

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các trường phải tự chủ tuyển sinh với mục tiêu phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện dạy và học phổ thông. Bỏ thi “3 chung” thì việc thi sẽ định hướng theo cách kiểm tra năng lực cá nhân với nhiều hình thức rất đa dạng. Học sinh phổ thông sẽ không còn kiểu học nhồi nhét mà học theo năng lực tư duy, vận dụng. Yếu tố này rất cần thiết cho nguồn nhân lực sau này.

- Như vậy một năm thí sinh có thể tham gia nhiều kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các trường chỉ tổ chức thi riêng tối đa 2 lần trong một năm nếu được Bộ GD-ĐT xác nhận đề án. Không thể tuyển sinh quanh năm, gây áp lực, tốn kém cho thí sinh, vì vậy Bộ sẽ quy định một số đợt thi trong năm học để các trường lựa chọn. Các trường có thể tổ chức thi riêng cho vài ngành đặc thù còn ngành khác vẫn có thể thi “3 chung”. Việc công bố đợt thi “3 chung” sẽ được Bộ đưa ra vào cuối tháng 12-2013. Còn hạn cuối cho các trường trình đề án tuyển sinh riêng là ngày 10-2-2014. Sau khi thẩm định và xác nhận phù hợp với quy định thì Bộ sẽ bàn với các hiệu trưởng để đưa ra thời gian các trường tổ chức thi riêng này.

- Nếu thi riêng thì làm thế nào để ngăn chặn sai phạm, tránh gây thiệt hại cho thí sinh?

- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn:  Nhằm thực hiện Luật Giáo dục Đại học và Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Bộ đang giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Tuy nhiên sự phát triển của các trường không đồng đều. Vì vậy trong quá trình chuyển giao, Bộ vẫn tổ chức tuyển sinh chung. Kèm với đó, về thanh tra, kiểm tra hoạt động tuyển sinh của các trường, chúng tôi sẽ đổi mới cách thức. Không chỉ thanh tra Bộ thực hiện mà còn có sự phối hợp chặt chẽ với thanh tra địa phương, các bộ ngành liên quan và công khai để xã hội đánh giá, giám sát.

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước tiên phải nói đến việc  từng trường phải quy định công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của trường mình. Các trường sẽ tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của mình khi đưa ra đề án tuyển sinh riêng. Bộ sẽ dựa vào đó để hậu kiểm.

Để tuyển sinh riêng các trường phải trình đề án đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT: không được phát sinh vấn đề cá nhân đứng ra luyện thi tràn lan. Phải tạo điều kiện tối đa cho thí sinh không để phát sinh tiêu cực, không đảm bảo công bằng, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả tuyển sinh kịp thời, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyển sinh và công bố công khai đền án tuyển sinh riêng cho xã hội giám sát. Nội dung đề án phải theo 6 tiêu chí của Bộ GD-ĐT. Theo đó, các trường phải lựa chọn phương án thi: thi tuyển, xét tuyển hay  kết hợp ... Trong phương án nói rõ thời gian thi, lịch thi, chính sách ưu tiên, điều kiện tổ chức tuyển sinh.