Không bảo tồn nguyên gốc một cách phiến diện

ANTD.VN - Bấy lâu nay vẫn tồn tại quan niệm bảo tồn di sản làng là bảo tồn nguyên trạng, tức là giữ lại toàn bộ cấu trúc, không gian và các công trình của nó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc bảo tồn công trình di tích không đồng nhất với việc bảo tồn các di sản kiến trúc cảnh quan - vốn là những di sản mang yếu tố “động”. 

Những chiếc giếng làng dần biến mất trong đời sống đương đại

Nhiều di sản rơi vào quên lãng

Theo PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường, Trưởng Bộ môn Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ tịch CLB Di sản làng Việt, tính trong cả nước, ngoài 2 ngôi làng được bảo tồn tổng thể là làng Đường Lâm và làng Phước Tích, thì công tác bảo tồn của Việt Nam đang khá “đơn lẻ, phiến diện”.

“Có một thực tế là chỉ khi nào được công nhận là di tích thì chúng ta mới bắt đầu bắt tay vào bảo tồn. Còn lại, hàng nghìn giá trị di sản khác, ví dụ như cổng làng, lũy tre, cầu đá, ao làng, quán, miếu, phủ… đều có giá trị vật thể và tinh thần với cuộc sống cộng đồng làng thì hầu hết chúng ta đang buông, để cho nhân dân làm tự phát. Xã nào quan tâm thì giữ, xã nào bị sức ép đô thị hóa thì phá” - PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường nhận định. 

Có một thực tế là công tác bảo tồn hiện nay đang chỉ “chạm” đến một số thành phần được coi là chính yếu trong không gian làng xã truyền thống, mà tiêu biểu là các công trình như đình, chùa.

Còn lại, rất nhiều công trình khác gần như bị bỏ quên: “Một loạt các hệ thống di sản, chẳng hạn như quán -  nơi nghỉ chân của những người đi làm đồng, đến bây giờ gần như bị bỏ hoang. Nhiều giếng làng khi không còn vai trò cấp nước thì một là lấp đi, hai là đậy lên. Ngay đến cổng làng - di sản có ý nghĩa lớn như vậy, số phận cũng khác nhau. Ví dụ như cổng làng Nành, Ninh Hiệp hay Ước Lễ, Thanh Oai còn khá tốt, nhưng một số cổng như làng Cáo Đỉnh, Từ Liêm - do bé quá nên phải làm đường đi xung quanh, nhìn trông rất xập xệ” - PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường cho hay. 

Quán - nơi nghỉ chân của người dân đi làm đồng cũng đang dần bị bỏ không

Coi di sản là yếu tố “động”

Luật Di sản hiện nay với các nguyên tắc bảo tồn nguyên gốc, nguyên trạng, phần lớn chỉ phù hợp với việc bảo tồn các di tích “chết” - ví dụ như các di tích tôn giáo tín ngưỡng hoặc các di tích lăng tẩm.

Còn với các di sản mang yếu tố “động” - gắn bó trực tiếp với cuộc sống của người dân như cổng nhà, đường làng, ngõ xóm, các di tích thuộc về cảnh quan khác thì không thể áp dụng cách thức tương tự, bởi nó có sự xung đột, đôi khi rất gay gắt giữa mục đích bảo tồn và mục đích sử dụng.

Điều này gây ra hệ quả là nhiều làng xã thà không được công nhận di tích (đồng nghĩa với di sản sẽ không được bảo vệ), còn hơn công nhận rồi để gánh một loạt những quy định ngặt nghèo, phiền lụy cuộc sống. 

Như vậy vấn đề được đặt ra với công tác bảo tồn là, không thể áp dụng phương pháp bảo tồn nguyên trạng với tất cả các làng truyền thống (như cách đã áp dụng ở Đường Lâm), mà phải có một cách tiếp cận mới mềm mại hơn, theo hướng thích ứng, có sự tham gia của cộng đồng.

Phương pháp này đang được PGT.TS.KTS Phạm Hùng Cường và CLB Di sản làng Việt thực hiện bước đầu ở làng Nôm - ngôi làng cổ gần như còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc truyền thống, nằm tại xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên. Trong đó, dự án đưa ra các phương pháp bảo tồn thích ứng với từng hạng mục như cổng làng, ao làng, lũy tre…

Trên cơ sở nghiên cứu và tư vấn, dự án sẽ chuyển giao hồ sơ để cho cộng đồng địa phương thực hiện. Song song với dự án này, CLB cũng đang tiến hành khảo sát, phân loại khoảng 50 ngôi làng truyền thống, nhằm xác định các giá trị vật thể và phi vật thể của di sản trong cuộc sống đương đại, từ đó có cách ứng xử phù hợp với từng di sản. 

PGS.TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nhận định, việc bảo tồn thích ứng với cuộc sống dựa trên việc coi di sản là yếu tố “động” là quan điểm đúng đắn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có kinh nghiệm về việc này. Chẳng hạn như Singapore đã từng bảo tồn thành công khu Chinatown.

Mặc dù thay đổi bên trong khá nhiều, nhưng tổng thể đây vẫn là mô hình được nhiều người đánh giá cao. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng kiến nghị lập ra quy hoạch bảo tồn, trong đó có bản đồ nhận diện các làng xã nhằm phân loại cấp độ bảo tồn. Có như vậy mới xác định được chủ thể và trọng tâm của công tác bảo tồn, tránh tình trạng “ngóng cổ” chờ phục dựng, trùng tu.