Không bao giờ ngừng hy vọng, sáng tạo!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những gam màu ảm đạm trong suốt 1 năm qua. Nhưng khi năm mới đang tới, hãy nói chuyện gì đó thật vui, ví như lòng tốt và sự tử tế vẫn hiện diện ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào!

Không có tình yêu thương, cuộc đời chẳng còn ý nghĩa

Khi viết về lòng tốt và việc tử tế, rất khó để liệt kê hết những cá nhân, tập thể đã có đóng góp chung vào công việc thiện nguyện, cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Bất giác, người viết bài này chợt nhớ tới hình ảnh con lợn đất màu đỏ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều như gợi mở về kỷ niệm tuổi ấu thơ và cũng là một câu chuyện đẹp về tình người. Chuyện là, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có một con lợn đất để thi thoảng bỏ những đồng tiền tiết kiệm nhỏ cho các cháu của ông.

Con lợn đất ấy không có gì đặc biệt, chỉ khác là những đồng tiền tích trong bụng nó sẽ được dùng để ủng hộ cho những hoàn cảnh không may mắn, thay vì lấy ra để dùng cho các việc khác. Từ con lợn đất này, nhà thơ sẽ kể cho cháu của mình về tình yêu thương giữa con người với con người, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn mới thấy trân quý những tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ kịp thời. Nhưng quan trọng hơn tất cả là để tuổi thơ của lũ trẻ tràn ngập những ký ức đẹp đẽ và nhân ái.

Con lợn đất màu đỏ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tích lũy tiền để ủng hộ những hoàn cảnh không may mắn

Con lợn đất màu đỏ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tích lũy tiền để ủng hộ những hoàn cảnh không may mắn

Cũng với mong muốn này, khi đoạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020 với cuốn “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã dành toàn bộ số tiền thưởng tặng cho các em nhỏ cùng lứa tuổi với Mem và Kya (2 cháu của ông) ở TP.HCM mồ côi cha mẹ vì Covid-19. Ông giãi bày, cho dù vật chất chẳng đáng bao nhiêu, nhưng đó là tình cảm của Mem và Kya bởi các cháu may mắn hơn rất nhiều đứa trẻ cùng tuổi mồ côi cha mẹ. “Sau này các cháu lớn lên, tôi sẽ nói với chúng rằng, các cháu đã biết chia sẻ với những thiệt thòi, mất mát của những người bạn cùng trang lứa. Các cháu hãy tiếp tục sống với tình thương yêu, sự chia sẻ với đồng loại của mình. Nếu không cuộc đời sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều mong muốn.

Không bao giờ ngừng sáng tạo

Sáng tạo là hạnh phúc đối với mỗi một người nghệ sĩ. Đó cũng là con đường dẫn lối cho Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc (2 giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) gặp nhau ở “Mùa trong vườn” - một triển lãm đầy cảm hứng nghệ thuật vốn bị hoãn đến 3 lần bởi dịch bệnh, cuối cùng cũng được trưng bày đúng ngày 1-1-2022.

PGS.TS Trang Thanh Hiền chia sẻ, đây có lẽ là triển lãm có thời gian chuẩn bị kéo dài nhất trong các cuộc triển lãm chị từng tham gia. Ban đầu, 2 nghệ sĩ dự kiến ra mắt triển lãm vào năm 2019. Nhưng không may, đại dịch Covid-19 ập tới khiến triển lãm phải đợi sang năm 2022 mới có dịp “trình làng”. Mà kỳ thực, cũng nhờ may mắn mà “Mùa trong vườn” đầu xuôi đuôi lọt khi nhiều triển lãm khác tạm thời không được cấp phép để đảm bảo an toàn cho người xem. Còn nữ họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc cũng tiết lộ, khoảng thời gian dịch bệnh hoành hành, chị cũng không ít lần cảm thấy mệt mỏi vì muốn dứt ra để tập trung cho các công việc khác.

Nhưng “cái khó ló cái khôn”, chính khoảng thời gian trì hoãn lại khiến ý tưởng sáng tác và các tác phẩm hoàn thiện hơn. Và điều bất ngờ là, các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đều được sáng tác vào năm 2021, chứ không phải 2019 mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Điều ấy nói lên rằng, khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ được thử thách trước đại dịch càng trở nên sung sức hơn, sáng lạn hơn. Vậy thì, nói cho cùng, đại dịch Covid-19 có thể được coi là một ngọn núi cao, một con dốc ngoằn ngoèo để những người sáng tạo thử độ lì, độ bền và khả năng vượt khó. Khi vượt qua được những trở ngại này, những nhọc nhằn, gập ghềnh cũng sẽ được thích nghi, dễ chấp nhận hơn.

PV Phạm Hương

PV Phạm Hương

Sau cơn mưa trời lại sáng

Nói về khó khăn của giới văn nghệ sĩ trong đại dịch thì hơn ai hết, chính những nghệ sĩ biểu diễn là những người thấu hiểu gian nan. Nhà hát đóng cửa, không biểu diễn đồng nghĩa với không có thu nhập. Thậm chí ngay cả các Nghệ sĩ nhân dân cũng phải bươn chải để trang trải cuộc sống. NSND Thoại Miêu và em gái là Thoại Mỹ phải kiếm thêm từ bán hàng online. NSƯT Kim Tử Long và vợ là nghệ sĩ Trinh Trinh cũng chuẩn bị thêm nhiều mặt hàng để mỗi chiều lên mạng chốt đơn từ sự ủng hộ của khán giả. NSƯT Kim Tử Long cho biết: “Nghệ sĩ bán hàng online thì cũng như người thường. Song, chúng tôi có lợi thế là lúc quảng cáo sản phẩm thì ca vài câu vọng cổ tặng bà con mộ điệu cải lương. Khán giả thương mến, ủng hộ đã giúp nghệ sĩ bảo đảm thu nhập ổn định, chờ sàn diễn mở lại”.

Tác phẩm “Mùa hoa nở” của Nguyễn Mỹ Ngọc (giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam)

Tác phẩm “Mùa hoa nở” của Nguyễn Mỹ Ngọc (giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam)

NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM thừa nhận, nhiều nghệ sĩ đã lâm vào kiệt quệ vì không thể mưu sinh bằng nghề. Chị bảo: “Tôi thương lắm. Thật ra, những diễn viên trẻ bây giờ phải bươn chải, làm những công việc khác để kiếm sống. Họ đi làm trong siêu thị, có những bạn đi làm ở quán cà phê, có người thì bán hàng online. Có những bạn phải về quê lánh dịch, phụ giúp gia đình”. Ngoài Bắc, các nghệ sĩ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… cũng đã bươn chải với đủ nghề, từ chạy Grab, nhân viên marketing cho tới bán hàng online. Thế nhưng, niềm hy vọng được trở lại với sàn diễn thì chưa nguôi trong trái tim. Vì sau cơn mưa trời lại sáng, đại dịch rồi cũng sẽ qua đi, chỉ cần không nguôi hy vọng và tình yêu với nghiệp diễn.