Không ai chết vì nói ngọng

ANTĐ - Bác quê đâu vậy?

- Quê “lội” ở Thái Bình, còn quê ngoại ở Hưng Yên.

- Thảo nào bác nói ngọng thế, nhiều khi chẳng hiểu bác nói gì cả. Bác ngọng từ khi nào vậy?

- Vừa biết “lói” đã bị thế rồi, cơ địa “ló” thế, chẳng sửa được.

- Nhiều người cùng quê với bác mà có bị thế đâu.

- Họ phải vất vả “nuyện” tập “nắm” mới được thế. Được cái tôi “lói” ngọng do gien di truyền nên khi viết vẫn đúng chính tả, chỉ khi phát âm mới sai thôi.

- Chẳng lẽ lại có nói ngọng bẩm sinh và nói ngọng do các nguyên nhân xã hội sao?

- Đúng thế, nhiều em “lói” ngọng do nhiễm phải từ bạn bè, hàng xóm, thậm chí từ trường học.

- Bác lại nói quá rồi, làm gì có thầy cô bị ngọng chứ.

- Đầy ra kia kìa. Không chỉ thầy cô ngọng, mà sách giáo khoa viết cũng sai chính tả.

- Bác thử dẫn chứng xem.

- Vở Luyện tập tiếng Việt 1 do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành in “giỗ tổ” thành “dỗ tổ”, “cây nêu” thành “cây lêu” đấy thôi.

- Thế thì nguy hại thật. Theo tôi, có khi họ viết đúng đấy. Có lẽ gần đây thấy xã hội xuất hiện nhiều chuyện nhiễu nhương như thầy gạ tình trò, nữ sinh lớp 9 đâm chết bạn cùng lớp, cô giáo dùng thước “nhổ” răng học sinh, nên nhà xuất bản này đang tìm cách dụ “dỗ” các vua Hùng về phù hộ độ trì cho đất nước thịnh trị thái bình, chứ không phải theo nghĩa “giỗ”- ngày kị đâu.

- Sai thì sửa, việc gì phải ngụy biện, chưa có ai chết vì “lói” ngọng đâu mà bác “no”.

Tin cùng chuyên mục