Khốn khổ những chuyến tàu: “Ấn tượng” khó quên

ANTĐ - “Tôi phải nín thở khi bước vào phòng vệ sinh bởi thứ mùi đặc trưng khủng khiếp xộc vào mũi. Thô sơ, thú vị và một chút mạo hiểm, là cảm nhận riêng của tôi về hệ thống tàu hỏa tại Việt Nam”.

Khốn khổ những chuyến tàu: “Ấn tượng” khó quên ảnh 1
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương

Buồn và thất vọng
Đó là nhận xét của anh David Meranze, một hành khách người Mỹ trên tuyến tầu Hà Nội-Lào Cai, khi anh có dịp đến Sapa vào giữa tháng 8 vừa qua. Nó khiến anh đi từ bất ngờ đến thất vọng. “Những trải nghiệm trên chuyến tầu gợi lại cho tôi hình ảnh về những con tàu chạy bằng diesel của gần 100 năm trước, cũ kỹ và không được bảo dưỡng thường xuyên. Một số toa có đặt thêm hàng ghế nhựa theo dọc lối đi, thậm chí ngay cả vị trí trước cửa phòng vệ sinh. Tôi không hiểu chừng ấy con người sẽ xoay xở ra sao khi tàu có sự cố”, anh David chia sẻ.
Thật ra, những điều mà anh David Meranze nhận xét không phải là hiếm. Bản thân phóng viên Báo ANTĐ khi có dịp di chuyển bằng tàu hoả trong những chuyến công tác cũng nhiều lần thấy hãi hùng vì sự mất vệ sinh trên tàu. Trong chuyến công tác đến Sapa cuối năm 2011, chúng tôi đã mua vé tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai. Trong phòng vệ sinh, giấy vệ sinh không có, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chưa kể tàu lắc, giật liên tục đến người khoẻ mạnh còn chếnh choáng huống hồ người già, phụ nữ và trẻ em. Trên nhiều toa tàu, rác vứt bừa bãi, hệ thống loa thông tin lúc có, lúc không, chăn ga thì cũ kỹ lâu không thay, tóc dính đầy trên gối. 
Chị Nguyễn Thu Trang, đang làm việc cho một văn phòng du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm kể lại: “Cách đây 1 tháng, tôi cùng gia đình đi nghỉ và quyết định mua vé toa ngồi ghế mềm điều hoà trên chuyến tàu SE 7 từ Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Lúc đầu tôi rất háo hức vì sẽ được nhìn ngắm phong cảnh, được thư giãn cùng cảm giác êm mát trên tàu chất lượng cao, nhưng tôi đã hoàn toàn thất vọng. Tình trạng mất trộm, mất cắp trên tàu liên tục xảy ra. Điều đáng buồn là thời gian tàu chạy dự kiến là 32 giờ, nhưng trên thực tế, phải mất 35 giờ, khiến nhiều người bị lỡ việc...”. 
Điều đáng nói, khi đến những ga dừng lại cho hành khách xuống và đón khách mới lên tàu, nhân viên trên các toa cũng ít khi quét dọn rác trên các toa. “Đi vào buổi sáng còn đỡ, chứ đến đêm, nhiều hành khách không biết tìm nhân viên ở đâu để nhờ bật điều hoà, vì thế không ít người phải chịu đựng không khí nóng bức, mặc dù vé mua là ngồi mềm “lạnh”...”, anh Nguyễn Công Thắng, người luôn có mặt trên các chuyến tàu từ Hà Nội vào Vinh làm việc kể lại.

Hành khách bị hành xác

Nhiều nước trên thế giới, ngành đường sắt là xương sống của hệ thống giao thông vận tải quốc gia. Trong các phương tiện giao thông, thì vận tải đường sắt có chỉ số an toàn cao nhất và vận chuyển được khối lượng lớn hàng hóa, hành khách, đồng thời phục vụ mục tiêu an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, với những người đã từng sử dụng dịch vụ đường sắt tại Việt Nam, có hai từ mà họ thường dùng để miêu tả đó là “thất vọng”. Mặc dù đã mua vé VIP cho cả gia đình từ Hà Nội đi Đà Nẵng, nhưng trong kỳ nghỉ hè vừa rồi, anh Vũ Chiến Thắng, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm vẫn không khỏi bực mình. “Khi tàu vừa ra khỏi khu vực ngoại ô cũng là lúc bắt đầu hành trình hành xác. Tình trạng bán hàng rong trên tàu thì khỏi phải bàn, nhốn nháo và mất trật tự, ảnh hưởng đến giấc ngủ của hành khách. Vừa chợp mắt được một lát, tôi đã nghe tiếng cửa đập ầm ầm hỏi có mua thuốc lá, nước, đồ ăn… khiến ai cũng bực mình. Về đến ga thì mọi người tranh nhau, “xe ôm”, ô tô dù lao vào chèo kéo khiến nhiều người lo ngại”, anh Thắng phàn nàn.
Hiện nay, hầu hết các toa tàu thông thường, thân tàu hầu như không được thiết kế để cách âm, vật liệu ốp bên trong chủ yếu là gỗ ép, kính và các tấm kim loại được làm thủ công. Chính vì thế mà tiếng ồn lọt vào bên trong khoang là khá lớn. Trước khi tàu chạy, mặc dù hệ thống loa phát thanh thông báo cho mọi hành khách về những quy định “khoảng cách hành lang an toàn”. Nhưng khi tàu đi qua các khu dân cư san sát hai bên đường ray thì dường như những quy định này không có tác dụng. Hiện nay, khoảng cách hành lang an toàn đường sắt ở các nước châu Âu là 1,4m, nhưng khoảng cách giữa hai ray của đường sắt Việt Nam nhỏ hơn 1m. 
Theo ông Dương Đình Thắng, kỹ sư nhà máy xe lửa Gia Lâm, việc lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt rất dễ gây ra tai nạn. Bởi, để một đoàn tàu đang chạy với tốc độ 70 - 80km/h dừng lại hẳn, người lái tàu cần phải hãm phanh cách đó 800m. Nếu lái tàu bị che khuất tầm nhìn do cây cối hay công trình xây dựng trong hành lang an toàn thì khó phát hiện sớm chướng ngại vật trên đường ray.
Vô tư lập đường ngang trái phép-hậu họa khôn lường

Luật Đường sắt đã được ban hành từ năm 2006, trong đó, quy định rõ giao thông đường sắt là đường độc đạo, đường ưu tiên chỉ dành riêng cho đường sắt, các phương tiện khác phải tuân thủ các quy định khi vượt qua đường sắt. Nhưng thực tế hiện nay, các địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định này. Rất nhiều nơi, các lều quán, công trình nhà cửa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt ngay trên đường ray. Cơ sở vật chất của ngành đường sắt thì ngang nhiên bị xâm hại. Người dân vô tư làm đường ngang trái phép qua đường sắt, cắt hàng rào bảo vệ, ném đá lên tàu gây những thiệt hại rất lớn. Điều này cho thấy sự phối hợp thực hiện không đồng bộ của chính quyền các địa phương với ngành đường sắt.

(Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

(Còn nữa)