Khốn đốn vì buôn nấm với người Tàu

ANTĐ - Cây nấm chẹo màu đỏ tươi được người dân địa phương vùng Đông Bắc nâng niu như vật báu. Còn với giới chủ buôn, cây nấm ấy đã tạo nên một “chiến trường khốc liệt” vì giá trị kinh tế mà nó mang lại là rất lớn bởi từ lâu loài thực vật này được mệnh danh là “thần dược” giúp phụ nữ có thai. Cái  thương trường khốc liệt ấy không chỉ khiến nấm chẹo có nguy cơ bị tật diệt mà  không ít người dân đã khóc ra nước mắt vì các chiêu trò thủ đoạn của những tay buôn lắm tiền…

Ảnh Internet

Giá bao nhiêu người Tàu cũng mua hết!

Người dân địa phương tỉnh Lạng Sơn thường gọi nấm chẹo với cái tên đặc biệt là boóc pào. Boóc pào là loại nấm ăn đặc sản, thơm, ngon và có vị thuốc nam với người dân nơi đây. Tuy chưa có nghiên cứu chính thức nhưng theo kinh nghiệm lâu đời của người dân bản địa thì “boóc pào làm tăng khả năng thụ thai cho những phụ nữ sống trong điều kiện khí hậu lạnh, khó sinh nở”. Chính bởi lời đồn thổi ấy mà bỗng nhiên loại nấm này trở thành “thần dược” cho phụ nữ khó mang thai. Giá bán mỗi kg nấm chẹo không dưới 1 triệu đồng. Người dân bản địa bỗng chốc giàu lên bởi thu nhập từ cây nấm quý này. Giới lái buôn dưới miền xuôi cũng đi săn lùng “thần dược” cho phái nữ.  

Hàng năm, vào khoảng thời gian tháng 3-4 và tháng 9-10 âm lịch, cánh chủ buôn ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh lại đổ xô về vùng này để thu gom loài nấm quý. Thu gom được càng nhiều, số tiền lợi nhuận sẽ càng cao. Chính vì vậy, giới chủ buôn sẵn sàng ăn, ngủ hàng tuần trong các bản sâu nhằm thu gom được thật nhiều nấm quý. Sau khi tập kết được nguồn hàng, các lái buôn này sẽ vận chuyển theo đường bộ qua cửa khẩu Chi Mai hoặc theo các đường mòn ở Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh) đưa sang Trung Quốc. Số lượng loài nấm này được thu mua không hạn chế.

Giá cả loại nấm quý này cao thấp khác nhau tùy thuộc vào chất lượng. Các thương lái thường chia nấm chẹo thành 3 loại để định giá. Nấm loại I, đắt nhất thường có màu đỏ đậm, mái nấm rộng, to, không bị sứt mẻ; Loại II, thường có màu đỏ nhạt hơn, mái nấm nhỏ hơn, bị sứt mẻ nhưng không đáng kể; Loại III là loại còn lại sau khi đã được thương lái phân loại xong loại I và II. Thương lái có thể mua nấm chẹo dưới hai dạng tươi hoặc sấy khô. Giá của một kg nấm tươi thường dao động từ 1,5 - 3 triệu/kg, trong khi đó nấm đã được sấy khô có giá từ 4-5 triệu/kg.

Hiện nay, nấm chẹo được người Trung Quốc sang mua tận nơi, nhưng qua tìm hiểu thì người đi mua cũng không nói là để làm thuốc gì. Họ chỉ biết là được thuê đi mua tận gốc, giá cao bao nhiêu họ cũng mua hết! Tại huyện Đình Lập (Lạng Sơn) có hàng chục ông chủ gom hàng cho cánh lái buôn Trung Quốc. Cánh lái buôn này sẽ đến các thôn bản để đặt “chân rết” chuyên gom hàng cho họ. Khi những đầu nậu này tập kết đủ hàng, họ sẽ vận chuyển qua Trung Quốc theo các đường tiểu ngạch. Thậm chí, một số ông chủ còn chở nấm qua các đường mòn ở Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Chính sự ồ ạt thu mua của giới chủ buôn và sự tận diệt của người dân vì lợi nhuận kinh tế, hiện nay loài nấm chẹo quý hiếm này đang có nguy cơ dần bị cạn kiệt.

Độc chiếm thị trường 

Theo một chủ buôn có tiếng trong giới săn nấm chẹo vùng Đông Bắc tên Hùng tiết lộ, do loài nấm này vô cùng quý hiếm và đắt giá, nên nó trở thành miếng mồi ngon cho giới thương lái xâu xé nhau. Cuộc chiến trong việc tranh giành nguồn hàng, thị trường tiêu thụ loài nấm quý này vì vậy vô cùng khốc liệt. Những ông chủ lắm tiền, là những người thâu tóm toàn bộ thị trường nấm chẹo vùng Đông Bắc Việt Nam. Để độc chiếm thị trường buôn bán loài nấm quý, những người này thường chịu lỗ khoảng 2 đến 3 vụ để thổi giá thu mua lên cao ngất ngưởng nhằm loại bỏ những ông chủ ít vốn ra khỏi thị trường. 

Đối với những thương lái lạ mặt ở nơi khác tới, thường bị các chủ buôn lâu năm đe dọa, dằn mặt khiến họ không dễ dàng trong việc làm ăn. Thậm chí giới chủ buôn lắm tiền, nhiều mánh khóe để “triệt hạ” những chủ buôn mới vào nghề, họ còn bày cách cho người dân trộn lẫn nấm chẹo với những loài nấm khác có nhiều nét tương đồng để hạ uy tín của những chủ buôn mới vào nghề.

 “Lão pản” là thuật ngữ trong giới buôn nấm quý chỉ ông chủ lắm tiền. Để độc chiếm được thị trường buôn nấm tại địa phương, lão pản thường sẽ thổi giá nấm chẹo cao ngất ngưởng, thậm chí ông ta chịu lỗ vài vụ để “đánh bật” những ông chủ nhỏ, ít vốn. Người dân ở vùng Bắc Xa (Đình Lập) thường truyền tai nhau về “mưu hèn kế bẩn” của “lão pản” bằng cách bày mưu để người dân trộn lẫn nấm độc với nấm chẹo để bán. Nấm độc có hình dạng rất giống với nấm chẹo, màu sắc sặc sỡ chẳng khác gì nấm chẹo nhưng đó lại là loại nấm cực độc, người dân vẫn gọi bằng tiếng Tày là “boóc-có”. Nếu không phải là người dân bản địa, không phải là ông chủ có thâm niên lâu năm trong nghề buôn nấm thì sẽ rất dễ bị sập “bẫy” cánh lái buôn tinh quái.

Hoặc như trường hợp của anh Vi Văn Kiều (một chủ buôn có máu liều ở đất Đình Lập) cũng đã bị mắc lừa bởi các lão pản. Thấy nhiều ông chủ “phất” lên nhờ buôn nấm, những người dân bản địa cũng mạnh dạn đứng lên thu mua nấm nhưng do thiếu kinh nghiệm nên có khi tán gia bại sản. Anh Vi Văn Kiều đã bán số trâu, bò của gia đình để làm vốn buôn nấm. Anh không dám thổi giá lên cao nhưng lại dễ dãi trong việc chọn nấm. Chính vì vậy, người dân thích bán cho anh này.

Sau một thời gian, các lão pản thấy người dân đến bán nấm ít dần nên đã tìm cách phá anh Kiều. Họ xé nhỏ lẻ nấm và thuê người khác đem bán ngược lại cho anh Kiều thu mua vào. Vốn có máu liều, lại muốn làm ăn lớn nên anh sẵn sàng gom hết hàng. Số tiền gia đình tích cóp, vay mượn cũng dồn hết vào vụ nấm đó. Thế nhưng, cuối cùng anh đã sạt nghiệp vì mấy ông chủ người Trung Quốc chỉ trả chưa đến 1 triệu đồng/kg, trong khi trước đó anh đã thu mua với giá 1,5 triệu đồng/kg.

Vỡ mộng vì nấm quý

Do nấm chẹo có thể mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn, nên rất nhiều người đã ôm mộng làm giàu từ loại thực vật quý hiếm này. Bên cạnh những ông chủ lắm tiền, nhiều của, những người nông dân cũng bán hết của cải, tài sản trong gia đình nhằm hùn vốn để buôn nấm với giấc mơ trở thành triệu phú. Nhưng giấc mơ thành triệu phú chưa thấy đâu, những người nông dân đã phải vỡ mộng, trắng tay vì trót ôm mộng nấm quý.

Trường hợp của gia đình ông Hoàng Thế Luân là một minh chứng đắng lòng cho những người nông dân bị khuynh gia bại sản vì trót ôm giấc mộng làm giàu từ nấm quý. Sau khi bán đi gần hết số tài sản trong nhà, đồng thời vay thêm từ các anh em, bạn bè, ông Luân quyết định đổ vào việc buôn nấm. Lúc đầu, nhờ sự khéo léo trong giao tiếp nên ông Luân nhanh chóng thu gom được rất nhiều nấm quý từ người dân. Các chủ buôn lâu năm khác trong vùng thấy vậy liền nghĩ ra những chiêu trò “bẩn” để làm mất uy tín của ông Luân. Những chủ buôn giàu có liền cắt nhỏ nguồn nấm dự trữ của họ bán với giá cao cho ông Luân. Khi nguồn vốn cạn kiệt. ông mới tính đến chuyện nhập sang Trung Quốc nhằm thu hồi lại vốn, nhưng không hiểu vì lý do gì giá nấm khi đó tụt xuống chỉ còn 1 triệu/kg. Bị đẩy vào thế chân tường, không bán không được, vì giữ lại lâu nấm sẽ hỏng vứt đi, không còn cách nào khác ông đành cắn răng bán đi tất cả số nấm đã thu mua được nhằm vớt vát được ít nào hay ít đó. 

Do nấm khô vừa giữ được lâu, giá lại bán được đắt hơn rất nhiều nấm tươi, nên nhiều gia đình ở vùng có nấm mọc cũng dồn vốn mua nấm và lò sấy để làm nấm khô. Tuy vậy, kĩ thuật sấy nấm đạt hiệu quả là rất khó, nếu không có kinh nghiệm rất dễ làm nấm hỏng. Nhiều gia đình vì nóng lòng làm giàu đã bỏ tiền mua nấm, rồi xây lò sấy, nhưng kĩ thuật lại không đúng nên toàn bộ số nấm mang đi sấy đã phải đổ đi. Rất nhiều trường hợp khóc ra nước mắt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn huyện Đình Lập (Lạng Sơn) có mấy chục lò sấy nấm thủ công nhưng do mấy năm nay nấm khan hiếm nên khiến những người đầu tư vốn lớn xây lò sấy nay không có hàng để chế biến đã phải “treo lò”, có nhiều người trở thành trắng tay.