Khơi thông dòng vốn tín dụng cuối năm

ANTĐ - Mặc dù tình hình kinh tế không mấy khởi sắc so với đầu năm, trong quý cuối cùng của năm này, các doanh nghiệp dường như đều đang chạy nước rút để tiếp cận chỉ tiêu. Ông Trần Xuân Quảng – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Khơi thông dòng vốn tín dụng cuối năm ảnh 1
Doanh nghiệp cũng cần nỗ lực vượt bậc để cải thiện năng lực tài chính và kinh doanh



PV: So với các năm trước đây, ông có nhận định gì về nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay?

Ông Trần Xuân Quảng: So với thời điểm này các năm trước đây, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp hiện nay không cao bằng. Kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn.

Nhu cầu về đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với các năm, việc tính toán lựa chọn triển khai dự án cũng rất thận trọng. Khó khăn cũng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế sức tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp.

PV: Ngân hàng dư thừa vốn, doanh nghiệp vẫn “khát”, theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến nghịch lí này?

Ông Trần Xuân Quảng: Tôi nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Trên thực tế, các doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận vốn, có thể chính là các doanh nghiệp cũng đang thực sự gặp khó khăn trong kinh doanh, do khả năng cạnh tranh hạn chế, lượng hàng tồn kho nhiều, đòn bẩy công nợ cao, trong khi đối mặt với áp lực thua lỗ, vốn chủ sở hữu bị sụt giảm, đầu tư dàn trải, sử dụng vốn sai mục đích…

Đây là những khó khăn xuất phát từ năng lực của bản thân doanh nghiệp - tất nhiên nguyên nhân thì có nhiều như tôi đã nêu ở trên. Đối với những khách hàng như vậy, trong bối cảnh kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện tại, các ngân hàng chắc chắn rất thận trọng khi xét cho vay vì tránh làm cho gánh nặng nợ xấu của chính mình trầm trọng thêm.

Trái lại, những doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định, kế hoạch kinh doanh khả thi thì đều tiếp cận nguồn vốn khá dễ dàng. Hiện nay, khối ngân hàng nói chung và Maritime Bank nói riêng đều đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh chóng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Như vậy, theo tôi, về bản chất của một số hiện tượng hiện nay không phải thể hiện nghịch lý như đã đề cập tới.

PV: Cần có những giải pháp gì từ phía doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan quản lí Nhà nước để tháo gỡ nút thắt cho dòng vốn lưu thông?

Ông Trần Xuân Quảng: Trước tiên, tôi nghĩ chúng ta đang kỳ vọng những động thái chính sách có hệ thống, đặc biệt là chính sách tiền tệ phát huy tác dụng trong việc hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế một cách bền vững. Nền kinh tế chung phục hồi sẽ kích thích sự gia tăng của sức cầu, thúc đẩy sự luân chuyển hàng hóa tốt hơn.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các thành tựu đã đạt được bằng việc điều hành thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; duy trì tốt hệ thống thanh khoản cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế.

Việc kiểm soát tốt tỷ giá, lãi suất cũng sẽ góp phần lấy lại sự tự tin cho các doanh nghiệp khi cân nhắc đầu tư. Ngoài ra, xử lý nợ xấu thông qua VAMC cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn trở lại, cũng như giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng tín dụng.

Các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu để khơi thông nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng. Chủ động rà soát, tăng cường tiếp cận khách hàng, đánh giá và chọn lọc khách hàng phù hợp có khả năng vượt qua được khó khăn trước mắt để tin tưởng giải ngân.

Dịch vụ ngân hàng cần tiếp tục được đầu tư, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì niềm tin của xã hội vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo duy trì tăng trưởng huy động khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại.

Các doanh nghiệp cũng phải cần có những nỗ lực vượt bậc để thay đổi, cải thiện năng lực tài chính và kinh doanh, thể hiện được khả năng sử dụng vốn tín dụng một cách an toàn, hiệu quả.

Một số vấn đề có thể cần quan tâm đặc biệt là: Xử lí các khoản nợ đọng và lượng hàng tồn kho; Nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường; Điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với vốn; Nâng cao năng lực quản trị, quản lí hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí vốn…