Khởi động lại "chiến dịch" kích cầu du lịch: Thứ nhất an toàn, thứ nhì hấp dẫn!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuối tuần qua, Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải, lữ hành đã cùng ngồi lại với nhau trong một cuộc họp nhằm đưa ra những giải pháp, sáng kiến, khúc mắc- để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo mọi nguồn động lực cứu ngành du lịch đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng vì Covid-19.

Ở lần kích cầu thứ 2 này, vấn đề về giá tour, giá vận tải hay các loại hình dịch vụ đã không còn được đặc biệt chú trọng và coi là động lực chính để kích thích người dân "xách balo lên và đi" nữa. Sau lần dịch bùng phát trở lại ở thành phố du lịch sôi động nhất cả nước- Đà Nẵng thì giải pháp an toàn, điểm đến hấp dẫn là tiêu chí quan trọng nhất và được tất cả các doanh nghiệp du lịch coi trọng đặt lên hàng đầu.

"Ảnh hưởng nặng nề thì giải pháp cũng phải đặc biệt"

Đó là khẳng định của ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, trước khi dịch bệnh diễn ra, không có có thể lường trước được nó lại diễn biến quá phức tạp và ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế thế giới như hiện tại. Ngay cả những người có kinh nghiệm nhất trong ngành cũng chỉ đoán là dăm ba tháng là cùng. Song, ngày càng thấy hậu quả kinh khủng của dịch bệnh. Có thể nói là sự kiện gây ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du lịch từ trước đến nay.

Báo cáo của ngành du lịch thế giới cho thấy hết quý I, doanh thu từ du lịch giảm 22%, sang quý II toàn thế giới giảm 87%, 6 tháng đầu năm giảm 65%. Tốc độ giảm rất nhanh gây thiệt hại 440 tỷ USD. Tổ chức du lịch thế giới dự báo nếu dịch tiếp tục năm nay doanh thu toàn gành sẽ giảm 1.000 tỷ USD, và giảm 1 tỷ khách du lịch. Chính vì ảnh hưởng nặng nề như vậy nên giải pháp cũng phải đặc biệt.

Thời gian qua, toàn ngành đã làm nhiều việc hăng hái, đợt kích cầu lần một phải nói là thành công. Nhưng nếu cứ dùng các công cụ bình thường sẽ không giải quyết được khó khăn. Nếu tháng 11, 12 lại bùng dịch thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng bao nhiêu. Chúng ta phải vừa kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch.

Chính phủ cũng yêu cầu phải phát triển kinh tế song song phòng chống dịch. Nhiều địa phương đề cao việc chống dịch hơn phát triển kinh tế song nếu cứ thế có khi sẽ "chết trước" khi dịch đẩy lùi.

Tháng 5, 6 khi dịch đợt một giảm, Tổng cục Du lịch đã phát động kích cầu, các bên đưa ra nhiều giải pháp nhưng lần này đã không còn phù hợp. Đợt kích cầu lần này, giá không thể thấp hơn, doanh nghiệp đang kiệt sức nên sẽ có nhiều khó khăn hơn. Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ. Du khách phải được phục vụ tốt, đưa ra sản phẩm mới nhất hoặc được làm lại mới nhất, đưa khách đến những chỗ mới, chưa đến... Không kỳ vọng đợt kích cầu lần hai này, khách đông ào ạt trở lại, nhưng vẫn cần nỗ lực làm.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra đề xuất, chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp có động lực tiếp tục hoạt động. Nên chia sẻ với doanh nghiệp dù mức hỗ trợ rất thấp để đồng hành cùng họ trong khó khăn. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho ngành trong tương lai.

Khó khăn đang chồng chất nhưng cũng nên nghĩ cách khác để đối phó với dịch bệnh. Nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp. Tổ chức du lịch thế giới đưa khẩu hiệu: Covid-19 chuyển đổi du lịch. Hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới. Có thể tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển. Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại. Cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm để đối phó ngay lập tức.

Truyền đi thông điệp "Tôi an toàn" đến với mọi du khách

Theo bà Nguyễn Lê Hương – Phó Tổng giám đốc Vietravel, đại dịch Covid-19 làm thay đổi tâm lý của hành khách. Và việc Covid-19 quay lại lần hai đem lại sự e ngại cho mọi người. Chính vì vậy, ở lần kích cầu thứ 2 này, sự an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Các giải pháp an toàn mà Vietravel đưa ra cụ thể như: tăng cường công tác truyền thông để khách hàng cảm thấy yên tâm khi đi du lịch. Với các nhà cung cấp như hàng không, nhà hàng - khách sạn... Vietravel cũng yêu cầu nâng cao sự an toàn. Công ty lữ hành cũng đưa ra các thông báo trong nội bộ và khách hàng khi đi du lịch", thực hiện theo dõi sức khỏe của khách hàng sau khi đi du lịch.

Cũng theo bà Nguyễn Lê Hương, khi Covid tại Đà Nẵng xảy ra, chúng ta chưa có kịch bản cụ thể. Vì vậy, Phó Tổng giám đốc của Vietravel mong muốn Nhà nước cần ban ra quy trình để khách hàng, nhà cung cấp và các hãng hàng không, biết phải làm gì sau khi đi du lịch về. Điều đó giúp cho tâm lý của khách hàng thoải mái hơn.

Bà Trần Thị Nguyện – Giám đốc Kinh doanh Sun World thuộc tập đoàn Sun Group thông tin, doanh nghiệp này mất gần 1 triệu lượt khách trong tháng 8. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ có những điểm sáng trong thời gian tới.

Đợt kích cầu đợt một đã chứng minh hiệu quả, lần hai này cần phải vào cuộc ngay. Tập đoàn Sun Group cũng đang thực hiện rất nghiêm quy tắc về an toàn. Về phía các trung tâm giải trí thực hiện quy định về: khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, khử khuẩn... và nhắc nhở khách hàng thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, với cơ sở vật chất: cabin, cáp treo, khu vui chơi đều được khử khuẩn hàng ngày. Sun Group ban hành quy định đến cán bộ nhân viên, ban hành thông báo với khách hàng về các quy định an toàn.

Với các khách sạn tại Đà Nẵng, Phú Quốc... doanh nghiệp làm việc với các quản lý để đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra. Doanh nghiệp hy vọng các ngành vào cuộc để giữ an toàn cho ngành du lịch Việt, truyền tải thông điệp "Tôi an toàn" với tất cả khách hàng, người dân. Bởi lẽ, mỗi người ý thức về cách phòng bệnh thì tất cả chúng ta mới an toàn.

Bà Trần Thị Nguyện nhấn mạnh, đây là lần thứ hai chúng ta chiến thắng Covid-19 nhưng không có nghĩa chúng ta bỏ các quy tắc an toàn.

Ông Đặng Thanh Thủy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, sau cú đánh bồi thứ hai từ đại dịch Covid -19, tập đoàn đã có thay đổi linh hoạt hướng đến phát triển bền vững trước tác động khách quan của dịch. Để kích cầu du lịch hiệu quả, Vingroup đã xây dựng chiến lược mới, xác định phát triển khách nội địa, đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5 lần so với đỉnh năm 2019.

Để thu hút du khách đến với chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí của Vingroup, tập đoàn đã đưa ra sản phẩm có chi phí hợp lý, chất lượng 5 sao, phù hợp với đa dạng khách hàng. Có thể kể đến các gói combo ưu đãi cho khách du lịch gồm: vé máy bay, khách sạn, vé trải nghiệm tại các khu vui chơi giải trí trên toàn hệ thống Vingroup. Tập đoàn cũng giảm giá vào khu vui chơi đặc biệt là các khu vui chơi trọng điểm ở miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên.

Chuỗi nghỉ dưỡng Vingroup đảm bảo hệ thống kiểm soát ba lớp duy trì 24/24 theo chỉ dẫn của Bộ Y Tế. Ba lớp đảm bảo an toàn gồm: Khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, dấu hiệu lâm sàng của khách hàng, nhân viên; Thường xuyên khử khuẩn ở các khu vực phòng nghỉ, khu vực công cộng trong các tòa nhà, tạo hành lang giãn cách; Yêu cầu nhân viên và khách đeo khẩu trang và tuân thủ yêu cầu vệ sinh phòng dịch. Bên cạnh đó, Vingroup đặt dụng cụ vệ sinh phòng dịch ở tất cả những khu vực sinh hoạt công cộng. "Chỉ đảm bảo an toàn mới có thể kích cầu du lịch giai đoạn này. Đặc biệt, an toàn sẽ là yếu tố hàng đầu thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam", đại diện Vingroup khẳng định.