Khởi động cuộc chiến pháp lý mới với Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đồng ý sẽ là cố vấn pháp lý trong đơn kiện các quan chức cấp cao của Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio Morales có thể khởi động cuộc chiến pháp lý mới trong vấn đề Biển Đông.
Cựu Ngoại trưởng và cựu Thanh tra viên Philippines muốn khởi kiện một số quan chức Trung Quốc có vai trò trong cải tạo trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông ra ICC

Cựu Ngoại trưởng và cựu Thanh tra viên Philippines muốn khởi kiện một số quan chức Trung Quốc có vai trò trong cải tạo trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông ra ICC

Đơn kiện Trung Quốc ghi dấu ấn mạnh mẽ

Phát biểu ngày 16-9 trong Diễn đàn trực tuyến do ADR Stratbase Institute và Bower Group Asia tổ chức, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã đồng ý đóng vai trò là cố vấn cho ông và cựu Tổng Thanh tra Philippines Conchita Carpio Morales trong vụ kiện liên quan tới vấn đề Biển Đông ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Ông Albert del Rosario tin tưởng, sự uyên bác và giàu kinh nghiệm của cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines trong vấn đề Biển Đông đã “nâng cao lòng tin của chúng tôi trong vụ việc và chắc chắn sẽ củng cố cơ hội của chúng tôi trước ICC”.

Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết thêm, trong tuần này ông cùng nữ cựu Tổng Thanh tra Conchita Carpio sẽ đệ trình đơn kiện mới lên ICC, trong đó bổ sung các quan chức cấp cao thuộc Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC) vào danh sách bị đơn. Tập đoàn CCCC bị cáo buộc đã đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp, xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trước đó, ông Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales vào tháng 3-2019 đã đệ đơn kiện một số quan chức cấp cao Trung Quốc với cáo buộc liên quan đến vấn đề Biển Đông tới ICC.

Cựu Ngoại trưởng và cựu Tổng Thanh tra Philippines khi đó kêu gọi công tố viên Fatou Bensouda của ICC tiến hành “cuộc khảo sát sơ bộ” để “đánh giá các hành vi phạm tội” chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác ở Biển Đông. Ông Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cáo buộc, việc Trung Quốc bồi đắp, cải tạo phi pháp ở Biển Đông là “sự hủy diệt, gần như vĩnh viễn, và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.

Dù ICC sau thời gian thụ lý xem xét đã bác đơn kiện vào tháng 12-2019 với lý do tòa án này không có quyền tài phán theo lãnh thổ hoặc cá nhân liên quan vụ việc này, nhưng đơn kiện hồi tháng 3-2019 đã khiến dư luận thêm biết tới những gì Trung Quốc tiến hành phi pháp ở Biển Đông suốt từ năm 2012 tới thời điểm đó. Trong giai đoạn gần 7 năm này, Trung Quốc đã bồi đắp cải tạo trái phép nhiều thực thể, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, biến thành các đảo nhân tạo quy mô lớn.

Trên các đảo nhân tạo bị chiếm đóng phi pháp này, Trung Quốc đã xây dựng các đường băng, căn cứ quân sự, triển khai nhiều vũ khí hiện đại, biến chúng thành các căn cứ quy mô lớn. Bước quân sự hóa nguy hiểm ở Biển Đông này nhằm thực hiện toan tính dùng sức mạnh quân sự để hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, đơn kiện của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng Thanh tra Conchita Carpio Morales được cho là thể hiện “phản ứng mạnh mẽ của người dân Philipines" trước hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đưa những hành vi này ra tòa án quốc tế trước hết là nhằm lên án tất cả mọi việc làm bất hợp pháp được ráo riết triển khai trong thời gian dài của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó đặc biệt là tiến hành bồi đắp, xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo để thực hiện quân sự hóa vùng biển này.

Thêm sự “bủa vây” pháp lý với tham vọng độc chiếm Biển Đông

Thực tế tình hình hiện nay khi cựu Ngoại trưởng và cựu Tổng Thanh tra Philippines lần thứ hai đệ đơn kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông so với tình hình hơn một năm rưỡi trước đã khác xa nhau. Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario bày tỏ tin tưởng rằng, ICC hiện có “cơ sở vững chắc để tiến hành vụ kiện của chúng tôi”.

Đồng thời, ông Albert del Rosario cũng kêu gọi các nước láng giềng Đông Nam Á cần có những hành động tương tự đối với Trung Quốc. Niềm tin của cựu Ngoại trưởng và cựu Tổng Thanh tra Philippines được cho xuất phát từ những đòn pháp lý nặng ký vào các hành vi phi pháp cũng như yêu sách chủ quyền phi lý, bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ cuối năm 2019 tới nay, nhiều quốc gia trong và ngoài ASEAN, trong đó có cả quốc gia không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Trong đó, Mỹ được cho là giáng đòn pháp lý nặng nề vào tham vọng đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ sa” của Trung Quốc khi không chỉ đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông mà đích thân Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 7 vừa qua đã lần đầu tiên công khai quan điểm của Mỹ khẳng định yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Tiếp đó, chính quyền Mỹ tháng 8 vừa qua đã quyết định trừng phạt 24 công ty và cá nhân Trung Quốc, trong đó có tập đoàn CCCC, vì đã có những hành động bất hợp pháp bồi đắp, cải tạo các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cũng đồng nghĩa với với việc những hành động mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông như bồi đắp, xây dựng các thực thể mà họ chiếm đóng là vi phạm luật pháp quốc tế. Đó cũng là cơ sở để Ngoại trưởng và cựu Tổng Thanh tra Philippines lần thứ hai đệ đơn kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông với niềm tin rằng ICC sẽ thụ lý vụ kiện nhằm mang lại công lý này.

Trong động thái đáng chú ý, Bộ Ngoại giao các nước Anh, Pháp và Đức ngày 16-9 đã trình công hàm chung lên Liên hợp quốc để phản đối lập luận liên quan đến Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra trong 7 công hàm trước đó. Công hàm chung của 3 cường quốc này nhấn mạnh, những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến “quyền lịch sử” trên Biển Đông - cơ sở chính mà Trung Quốc viện dẫn để đưa ra yêu sách đòi chủ quyền ở vùng biển này - không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các điều khoản của UNCLOS 1982 và phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Cách đây 7 năm, vào năm 2013, ông Albert del Rosario khi trên cương vị Ngoại trưởng Philippines là người dẫn đầu trong vụ kiện chống lại yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại PCA. Kết quả, sau 3 năm xem xét, thụ lý, PCA đã đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Phán quyết ngày 12-7-2016 của PCA từ đó được lấy làm căn cứ, chứng cứ pháp lý để bác bỏ mọi yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tất nhiên, đơn kiện mà cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố sẽ gửi tới ICC trong tuần này, nếu được chấp thuận, mới có thể chỉ là bước khởi đầu cuộc chiến pháp lý mới với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Song cũng đủ để có thêm một sự “bủa vây” pháp lý với yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khiến nước này thêm cô lập với tham vọng độc chiếm vùng biển này.