Khơi dòng Cheonggyecheon giúp hồi sinh Thủ đô Seoul

ANTD.VN - Nằm ngay tại trung tâm Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, dòng suối Cheonggyecheon là một trong các dự án thiết kế đô thị lớn nhất thế giới. Thắng cảnh này được xem như một ốc đảo xanh nằm giữa rất nhiều công trình bê tông, đem lại sức sống và cảnh quan thiên nhiên cho người dân giữa lòng thành phố cũng như thu hút hơn 60.000 du khách tham quan mỗi ngày.

Khơi dòng Cheonggyecheon giúp hồi sinh Thủ đô Seoul ảnh 1

Suối Cheonggyecheon chảy qua khu trung tâm thành phố Seoul, Hàn Quốc

Cheonggyecheon vốn là một dòng chảy từ xa xưa đi qua khu trung tâm Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Sau quãng đường dài 5,8km, dòng suối này đổ vào sông Jungnangcheon và cuối cùng hợp lưu với sông Hàn. Với mong muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế, vào cuối thập niên 1950, chính quyền thành phố Seoul đã chủ trương "đậy nắp" dòng chảy để phát triển hạ tầng.

Sau đó, đường cao tốc trên không Cheonggyecheon được xây dựng vào những năm 1970. Cũng giống rất nhiều con đường bên dưới những công trình cầu cạn trên thế giới khác, người dân thường tránh lưu thông ở khu vực bên dưới đường cao tốc này. Chính vì thế nơi đây nhanh chóng trở thành những địa điểm lý tưởng cho các hoạt động tội phạm hay đổ chất thải trái phép.

Trước quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhận thấy sự cần thiết phải phục hồi dòng suối này để kiến tạo một đô thị xanh - sạch - đẹp, năm 2003, Thị trưởng Seoul khi ấy là ông Lee Myung-bak đã có ý tưởng về một đề án đầy tham vọng là gỡ bỏ con đường cao tốc trên cao và xây dựng lại, khơi thông dòng chảy Cheonggyecheon. Mặc dù gặp phải nhiều sự phản đối và chỉ trích nhưng cuối cùng đề án cũng được triển khai và hoàn thành tháng 9-2005.

Từ năm 2002 đến 2005, Chính phủ Hàn Quốc đã phá dỡ đường cao tốc trên cao và thay thế vào đó là việc khôi phục dòng suối cũng như xây dựng những con đường đi bộ dọc 2 bên bờ. Dự án cũng nhận được sự ủng hộ vì đây được coi là con kênh thoát nước chính khi thành phố không may bị lũ lụt và cũng là hình ảnh nổi bật để “tiếp thị” ra toàn thế giới về một Hàn Quốc đang phục hồi và phát triển bền vững.

Để giảm bớt những lo ngại về tình trạng tắc nghẽn giao thông, Chính phủ cũng đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống giao thông công cộng, tiêu biểu là làn xe buýt chuyên dụng tại khu vực này.

Chỉ trong vòng 29 tháng, con đường cao tốc vốn đã lạc hậu được thay thế bằng một công trình công viên tuyến tính hiện đại đa chức năng. Tuy nhiên do sự phát triển đô thị, dự án này không hoàn toàn khôi phục theo đúng nghĩa đen của từ này. Lượng nước được bơm vào suối với ước tính khoảng 120.000m3 mỗi ngày chủ yếu là từ nước đã qua xử lý từ sông Hàn chứ không phải là nước thải của chính dòng suối được xử lý và tái sử dụng.

Dù vậy, những lợi thế mà công trình này mang lại vẫn lớn hơn những khiếm khuyết của nó. Có thể nhận thấy rất nhiều lợi ích mà công trình mang lại như sự gia tăng đáng kể về đa dạng sinh học tổng thể; giảm hiệu ứng đảo nhiệt và ô nhiễm không khí đô thị; cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông do nhiều người lựa chọn di chuyển bằng hệ thống giao thông công cộng; nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như phát triển kinh tế tại những khu vực xung quanh.

Dòng suối Cheonggyecheon chảy từ Đông sang Tây tại khu vực trung tâm của Thủ đô Seoul, khởi nguồn từ Cheonggyecheon Plaza. Nơi đây cũng trở thành trung tâm thương mại, ẩm thực và buôn bán hàng thủ công. Công viên tuyến tính này được tích hợp đầy đủ kết cấu đô thị của Seoul cũng như là nơi tổ chức hàng trăm sự kiện và nghệ thuật sắp đặt mỗi năm.

Là một địa điểm thu hút rất nhiều người lui tới, không chỉ là người dân bản địa mà cả những khách du lịch, dòng suối đã mang lại cho Seoul một luồng sinh khí mới và được coi là không gian của những giấc mơ hiện đại hóa.