Khởi đầu mới của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair

ANTD.VN - Thời gian gần đây, có nhiều lời đồn đoán rằng ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh sẽ quay trở lại chính trường.

Trong một cuộc phỏng vấn được Tạp chí New Statesman của Anh đăng tải ngày 24-11, ông Tony Blair đã bác bỏ khả năng trở lại “chiến tuyến chính trị” - trong bối cảnh nước Anh vừa trải qua cơn chấn động rút khỏi Liên minh châu Âu và thời kỳ hậu Brexit đầy sóng gió mới chỉ bắt đầu, đồng thời khẳng định ông muốn tham gia chính trị ở góc độ khác.

“Tôi không có ý định quay trở lại mặt trận chính trị để phải sửa chữa sai lầm khác. Chỉ là có quá nhiều sự thù địch”, ông Tony Blair chia sẻ với biên tập viên của New Statesman - Jason Cowley. Trước đó, có nhiều ý kiến suy đoán rằng, ông Tony Blair đang lên kế hoạch trở lại theo cách thành lập một chính đảng mới nhằm đối mặt với Brexit và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn.

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Anh cho biết, ông không muốn đóng vai trò trong việc đàm phán Brexit hay dẫn đầu phong trào phản đối Brexit mà chỉ muốn tham gia vào đời sống công chúng bằng những ý tưởng và sáng kiến về chính sách, muốn được lắng nghe và có những cuộc tranh luận rộng hơn. 

Vậy ông Tony Blair có thể làm những gì? Ông nói rằng, ưu tiên hàng đầu là xây dựng nền tảng cho phép mọi người tranh luận về ý tưởng và các giải pháp mà không có sự lạm dụng hay gièm pha vốn đã trở nên quá phổ biến trong nền chính trị hiện đại - “Điều tốt nhất có thể làm là sử dụng kinh nghiệm lâu năm của tôi, không chỉ là thời kỳ làm Thủ tướng, mà cả những hiểu biết về thế giới suốt 9-10 năm qua”. Theo đó, nền tảng này sẽ được thúc đẩy bởi công nghệ, sử dụng lợi thế của các phương tiện truyền thông xã hội nhằm cung cấp dịch vụ cho những người đang đứng ở tuyến đầu chính trị, những người rất cần sự tham góp của sáng kiến và ý tưởng mới.

Trong một mô hình rất đáng để tham khảo đối với cựu Thủ tướng David Cameron - người vừa rời nhiệm sở, suốt 9 năm kể từ sau khi ông Tony Blair rút khỏi chính trường, ông đã xây dựng được một nhóm các tổ chức, trong đó sử dụng khoảng 200 nhân viên và hoạt động tại hơn 20 quốc gia khác nhau.

Cựu Thủ tướng Anh luôn nói rằng ông không muốn trở thành một người siêu giàu, nhưng rõ ràng, người đàn ông ở tuổi 63 này đã kiếm được một khoản tiền đáng kể khi làm cố vấn cho Hãng JP Morgan và Tập đoàn Bảo biểm Zurich. Ông được cho là cựu Thủ tướng Anh duy nhất làm việc cho một quốc gia  có chủ quyền khác. Bên cạnh đó, ngoài khoản thu nhập là các bài diễn thuyết, vợ chồng ông Blair cũng có một danh mục đầu tư bất động sản trị giá ít nhất 27 triệu Bảng. Truyền thông nước này ước tính, tổng tài sản của gia đình Blair có thể gấp đôi con số đó.

Tháng 9 vừa qua, ông Tony Blair thông báo sẽ đóng cửa Hiệp hội Tony Blair cùng Firerush và Windrush - đây là hai công ty đem lại doanh thu lớn, chuyên về hợp tác với Chính phủ các nước và tư vấn cá nhân. Cùng với việc giữ một số tư vấn cá nhân, ông Blair tuyên bố sẽ tập trung vào công việc từ thiện và không vì lợi nhuận của mình.