Khói, bụi “ăn mòn” sức khỏe người dân đô thị

ANTĐ - Báo cáo Môi trường Quốc gia 2013 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hôm qua (18-9) cho thấy, ô nhiễm không khí được xác định là “thủ phạm” khiến tỷ lệ mắc bệnh về đường hô hấp cao, thậm chí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư.

Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn ở các thành phố lớn

Ô nhiễm khắp nơi

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: “Có thể nói, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề cũng như các tuyến đường giao thông đang nóng và là mối quan tâm của toàn xã hội”.  

Ông Nguyễn Văn Thùy – Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường cho biết, với chủ đề Môi trường không khí, Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường không khí trong giai đoạn 2008-2013. So với giai đoạn 2003-2007, Báo cáo chỉ ra: “Chất lượng không khí chưa có nhiều cải thiện. Trong đó, nồng độ bụi cao vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất, đặc biệt tại các đô thị”. 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn bị tác động bởi một số nguồn ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Đó là ô nhiễm bụi mịn, thủy ngân, lắng đọng axít và khói mù quang hóa do nguồn phát thải từ các nước lân cận.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm bụi ở các đô thị được phản ánh thông qua các thông số bụi lơ lửng. Đáng lưu ý là các hạt bụi mịn có kích thước siêu nhỏ, tồn tại rất lâu trong khí quyển và có khả năng phát tán xa. Các loại bụi này có thể lọt qua các loại khẩu trang thông thường, đi vào phổi và ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Số liệu quan trắc giai đoạn 2008 – 2013 được đưa ra trong Báo cáo cho thấy, ô nhiễm thường tập trung cao ở các đô thị có mật độ giao thông lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa. Có những thời điểm mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép từ 2-6 lần. Không chỉ nồng độ các loại bụi trong không khí duy trì ở ngưỡng cao mà số ngày chất lượng không khí suy giảm cũng nhiều.  

Ông Nguyễn Văn Thùy cho biết thêm, theo quan trắc tại Trạm Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội, số ngày có chỉ số chất lượng không khí kém chiếm tới 40-60% tổng số ngày quan trắc. Thậm chí có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. 

Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư

Đánh giá về tác động của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khỏe con người, Báo cáo chỉ ra rằng: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi môi trường không khí bị ô nhiễm, thì sức khỏe, chức năng phổi... bị suy giảm, dẫn đến các bệnh hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản... và làm giảm tuổi thọ của con người. Đặc biệt tác động mạnh tới người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em”.

Cơ quan quốc tế chuyên nghiên cứu về bệnh ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người. IARC phân tích hơn 1.000 nghiên cứu trên toàn thế giới và đưa ra đủ bằng chứng cho thấy, ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi. Năm 2010, có hơn 220.000 trường hợp tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới có liên quan đến ô nhiễm không khí. 

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người mắc bệnh đường hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. TP.HCM là khu vực có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất cả nước, tiếp đến là Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng. Tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện năm 2011 tại các địa phương này cao gấp 10-15 lần so với các địa phương có ít hoạt động công nghiệp. 

Để khắc phục những tác động do ô nhiễm không khí mang lại, Báo cáo môi trường quốc gia 2013 đã đưa ra nhiều kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ các các bộ ngành địa phương về việc sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách pháp luật đặc thù về môi trường không khí, kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng không khí, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, vấn đề xã hội hóa và sự tham gia của cộng đồng dân cư…