Khóc dở vì vỏ bọc hôn nhân ngoại - Lại thêm những đứa trẻ “không cha”

ANTĐ - Nhiều cô gái không kết hôn được với người mình yêu, những em bé không được khai sinh, không ít gia đình bỗng dưng tan vỡ… Đó là hậu quả của việc tìm mọi cách để ra nước ngoài làm kinh tế nhưng hiểu biết lơ mơ về pháp luật, mà không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết dứt điểm…

Kỷ luật cán bộ vi phạm luật  là cực chẳng đã

Dù chuyện đã xảy ra cách đây khoảng 8 tháng nhưng đến nay, hễ đề cập đến chuyện những cô dâu lấy chồng Hàn Quốc, bất cứ người dân nào trong xã Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang) cũng có thể kể vanh vách về tình huống éo le của anh Nguyễn Huy T - một cán bộ Đoàn xã. Đến tuổi lập gia đình, anh T đã yêu và quyết định cưới chị Nguyễn Thị H - cô gái kém mình 5 tuổi, xinh xắn nết na ở cùng xã làm vợ. Do thời gian tìm hiểu khá ngắn ngủi nên anh T không nắm được đầy đủ thông tin về nhân thân của chị H. Một ngày đầu tháng 2, anh T và chị H ra UBND xã Tam Dị để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tại đây, anh T mới ngã ngửa khi được cán bộ tư pháp xã cho biết, chị H đang là vợ của một người đàn ông Hàn Quốc, nên về mặt pháp lý, xã không thể làm giấy đăng ký kết hôn cho anh T. 

Hỏi kỹ lại người yêu, anh T mới biết, đầu năm 2010 chị H đã tìm đến dịch vụ môi giới kết hôn giả để được sang Hàn Quốc. Chị đã tự nguyện “đăng ký kết hôn” với một người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc nhằm hợp pháp hóa việc sang bên đó làm ăn. Song do trục trặc về giấy tờ, chị H không thể đi được nên vẫn ở lại Việt Nam. Do hiểu biết có hạn, chị H cho rằng, sự việc qua đi đã gần 1 năm nên tờ giấy hôn thú kia không còn giá trị nữa. Vì vậy, chị H mới đồng ý làm vợ anh T. Nghe tin này, dù rất sốc nhưng anh T vẫn quyết định dọn về sống chung với chị H, một phần vì tình yêu giữa hai người, một phần do cỗ bàn đã đặt xong, thiếp mời cưới cũng đã gửi đi hết. 

Sau đám cưới, với lý do “lấy vợ người khác, chung sống như vợ chồng với người khác giới nhưng chưa đăng ký kết hôn”, anh T đã bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Đến thời điểm hiện tại, anh T và chị H vẫn chung sống như vợ chồng, chị H đã có thai và đang chờ đến ngày sinh nở. Điều anh T và chị H lo lắng nhất là đứa bé sinh ra sẽ không được ghi tên bố trong giấy khai sinh như bao đứa trẻ bình thường khác và sau này đến tuổi đi học, cháu bé sẽ bị thiệt thòi.

Theo ông Đào Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Dị, đúng là chuyện anh T cưới chị H và trước đó chị H đã đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc là có thật. Anh T đã bị kỷ luật vì vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình. Điều đáng tiếc là từ trước đến nay, trong quá trình công tác tại địa phương anh T luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và chưa từng vi phạm kỷ luật. Do đó, việc đưa ra hình thức kỷ luật với anh T là việc cực chẳng đã. 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, vì hoàn cảnh khó khăn nên chị Nguyễn Thị N và anh Lê Văn Nh ở thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị đã tìm mọi cách sang Hàn Quốc làm ăn với hi vọng đổi đời. Do yêu nhau đã lâu nên sau khi anh Nh sang Hàn Quốc theo con đường du học, qua một cá nhân môi giới, chị N đã đồng ý đăng ký kết hôn với 1 người đàn ông Hàn Quốc để được sang đó với người yêu. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết và xuống sân bay, chị N đã về thẳng chỗ ở của anh Nh, tổ chức lễ cưới và chung sống như vợ chồng với anh này. Đến khi có con, chị N đưa con về quê cho ông bà nội chăm sóc. Tuy vậy, đứa bé mà chị N sinh ra với anh Nh hiện vẫn là con… ngoài giá thú do chị N chưa làm thủ tục ly hôn với người chồng Hàn Quốc và đăng ký hết hôn với anh Nh.

Đâu là giải pháp?

Về sự việc trên, được biết ngày 10-10, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đã có công văn đề nghị chủ tịch UBND huyện Lục Nam chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường tư vấn, giải thích và tuyên truyền pháp luật đối với người dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của họ về vấn đề kết hôn với người nước ngoài. Bên cạnh đó, UBND huyện cần hướng dẫn việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch, thống kê, tổng hợp số liệu đăng ký kết hôn, ghi chú việc kết hôn giữa công dân xã Tam Dị với người nước ngoài đã tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần xác định số liệu về việc kết hôn giữa công dân Tam Dị với người nước ngoài nhưng chưa xuất cảnh được hoặc đã sang sinh sống ở nước ngoài nhưng nay đã trở về địa bàn xã, số trẻ em sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa công dân Tam Dị với người nước ngoài đang sống tại xã nhưng chưa được đăng ký khai sinh.

Sau khi nhận được công văn này, UBND huyện Lục Nam đã yêu cầu UBND xã Tam Dị thống kê ngay các trường hợp nêu trên, báo cáo về UBND huyện và Sở Tư pháp trước ngày 25-10. Ông Nguyễn Đình Cường - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Lục Nam cho biết, quan điểm của UBND huyện là trên cơ sở số liệu của các địa phương, huyện sẽ đề xuất với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có hướng giải quyết dứt điểm đối với những trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân với người nước ngoài chưa được khai sinh. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng sẽ có văn bản yêu cầu xã Tam Dị nói riêng và các xã khác nói chung tăng cường tuyên truyền, chấn chỉnh ngay hoạt động kết hôn với người nước ngoài.

Còn theo một đại diện của Bộ Tư pháp, để hợp thức hóa quan hệ hôn nhân với người chồng Việt Nam và khai sinh cho con, người lao động Việt Nam vẫn đang làm việc tại nước ngoài ở trong hoàn cảnh trên cần đến Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia này xin xác nhận tình trạng hôn nhân hiện tại. Còn với những lao động đã về nước, họ cần có đơn gửi TAND tỉnh để làm thủ tục ly hôn người chồng nước ngoài và xác định ADN để chứng minh đứa con này là của người đàn ông đang chung sống với người mẹ. Sau khi gia đình làm thủ tục nhận cha-mẹ-con thì trẻ mới được đăng ký khai sinh. Với trường hợp chưa có con nhưng đã có giấy đăng ký kết hôn với người nước ngoài cũng cần nhanh chóng đến cơ quan chức năng thực hiện ly hôn vắng mặt với người chồng Hàn Quốc. Tuy nhiên, do phần lớn lao động trong trường hợp này khi sang Hàn Quốc thường ra ngoài làm ăn bất hợp pháp, né tránh các cơ quan quản lý nên việc giải quyết khá phức tạp. 

Có thể nói sự việc xảy ra tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam là bài học sâu sắc đối với những người muốn ra nước ngoài kiếm tiền bằng mọi cách nhưng lại thiếu hiểu biết về pháp luật. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm cho chị em phụ nữ đồng thời siết chặt việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu, đặc biệt là với người nước ngoài. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần tỉnh táo, có định hướng đúng đắn cho con em mình trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng như kết hôn, ly hôn…, tránh tình trạng hám lợi trước mắt, đẩy con em mình vào hoàn cảnh trớ trêu, phải lỡ dở hạnh phúc cả đời.