Khóc cười với hợp đồng hôn nhân: Cần sớm có lời giải

ANTĐ - Dù hiện có không ít người mong muốn thiết lập hợp đồng hôn nhân  trước khi cưới nhưng đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam, việc làm này không được pháp luật công nhận. Tuy vậy, theo quy định của  Luật Hôn nhân và gia đình, vợ, chồng vẫn có quyền có tài sản riêng.

Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH

Chưa có quy định

Pháp luật một số nước phương Tây cho phép trước khi kết hôn, nam nữ có quyền lập khế ước (hợp đồng) hôn nhân. Các bên thỏa thuận các vấn đề pháp lý như phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc liên quan đến việc một hoặc hai bên muốn chấm dứt hợp đồng hôn nhân, quyền nuôi con và chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không công nhận vấn đề này bởi nó không phù hợp văn hóa và truyền thống hôn nhân gia đình là đề cao lòng chung thủy, hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, lâu dài. 

Song, không thể vì lý do này mà quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng đối với tài sản riêng có trước và trong thời kỳ hôn nhân không được bảo hộ. Theo Điều 32 Luật HN&GĐ, “vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân…”. Về quan hệ giữa cha mẹ và con, dù trong hay sau thời kỳ hôn nhân, cha mẹ đều có quyền thương yêu, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, không ai có được tước đi quyền này (trừ trường hợp cha mẹ có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con và bị tòa án ra quyết định hạn chế nuôi dưỡng, chăm sóc con).

Với quan điểm ủng hộ việc ký kết hợp đồng hôn nhân, anh Lê Trung Tiến ở khu đô thị The Manor, huyện Từ Liêm bày tỏ: “Hợp đồng được ký kết với mục đích lớn nhất là đi đến thống nhất chung, tránh tranh cãi về sau, đôi bên cùng có lợi, mang đến tình yêu, hạnh phúc bền vững. Bởi, tình cảm chỉ lâu bền khi kinh tế rõ ràng”. Trái ngược với ý kiến này, chị  Lê Thu Hà – nhân viên ngân hàng ở quận Ba Đình lại cho rằng, không thể vì những vấn đề khó giải quyết khi hôn nhân gặp trục trặc mà làm thay đổi cả bản chất tốt đẹp của nó bởi nền tảng của hôn nhân là tình yêu, không phải là vật chất, không toan tính, vụ lợi. Tuy hợp đồng hôn nhân có thể giải quyết một số rắc rối phát sinh nếu cuộc hôn nhân không như mong muốn nhưng việc này sẽ làm thay đổi bản chất của hôn nhân. Việc ký hợp đồng trước hôn nhân tức là chưa cưới nhau đã nghĩ đến chuyện ly hôn rồi thì liệu gia đình có hạnh phúc?”. 

Nên hay không?

Theo Luật sư Hồng Vân, Đoàn luật sư Hà Nội, ở các nước theo theo hệ thống pháp luật common law (đặc biệt ở Mỹ) tồn tại quan niệm hôn nhân là một loại hợp đồng dân sự vì có sự thoả thuận giữa một người đàn ông và một người đàn bà để thiết lập một quan hệ pháp lý làm phát sinh và thực hiện các quyền, nghĩa vụ đối với nhau. Còn theo quy định của pháp luật Việt Nam, hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa 2 bên. Sự liên kết này không phụ thuộc vào tính toán vật chất, mà dựa trên cơ sở tình yêu thương, bình đẳng và tự nguyện giữa vợ và chồng, với mục đích xây dựng mối quan hệ bền vững.

Hiện Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến có nên đưa việc thỏa thuận về tài sản (hôn ước hay hợp đồng hôn nhân) vào Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (HNGĐ) sửa đổi hay không. Luật HNGĐ hiện hành chỉ ghi nhận tài sản vợ chồng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung nên chưa bao quát hết những phức tạp phát sinh trong đời sống và thực tế đã có nhiều vụ việc phức tạp, bởi việc phân biệt tài sản chung, riêng trong đời sống hôn nhân không đơn giản. Tiêu biểu là vụ kiện đình đám thời gian qua của ông Nguyễn Quốc An (Việt kiều Mỹ) kiện đòi người mẫu Ngọc Thúy trả số tài sản 14,4 triệu USD ông nhờ đứng tên trong thời gian còn là vợ chồng. Sau khi li hôn, Tòa án bang California, Mỹ đã quyết định thu hồi số tài sản này trả lại cho ông An vì được mua bằng tiền riêng của ông. Còn theo luật Việt Nam, tài sản này khó có thể phân biệt riêng, chung vì nó được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và đều do Ngọc Thúy đứng tên. Do Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên bản án này chưa thể thực hiện.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, tài sản trước hôn nhân đương nhiên là tài sản riêng nếu không có thỏa thuận khác song nhiều cặp vợ chồng muốn giấy trắng mực đen để “yên tâm chung sống”. Khi có tranh chấp, họ dễ dàng chứng minh tài sản nào là của mình. Do vậy, việc luật hóa chuyện hôn ước là cần thiết. Ngoài ra, khi có hôn ước, nếu tranh chấp xảy ra, tòa cũng dễ xét xử hơn và không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hôn ước cần phải được lập thành văn bản trên tinh thần tự nguyện, trung thực và có chứng thực của  chính quyền địa phương hoặc văn phòng công chứng. Khi có tranh chấp, tòa án sẽ coi văn bản này là một trong những chứng cứ để ra phán quyết. 

Có thể nói, bất cứ vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Nếu như hợp đồng hôn nhân là công cụ đắc lực cho những người trong cuộc muốn bảo tồn được tài sản của mình thì nó cũng vô tình tạo ra sự nghi ngại, ngăn cách giữa hai bên khi họ quyết định kết hôn. Do vậy, trước khi ban hành, các cơ quan chức năng cũng cần cân nhắc để có những quy định phù hợp.

Hiện đã có một số đôi vợ chồng trước khi kết hôn đã kí kết xong bản hợp đồng hôn nhân như một sự cam kết chung sống và sẵn sàng chia tay mỗi người một ngả khi tình yêu không còn. Tức là, ngay từ đầu, họ đã tạo dựng sẵn cho mình tâm lí phòng thủ. Như vậy, sự chân thành, tôn trọng và yêu thương liệu có tồn tại lâu bền? Ở nước ta, dù luật pháp không công nhận tính pháp lý của hợp đồng hôn nhân, song đã có nhiều cặp vợ chồng áp dụng. Điều đó chứng tỏ trong một số trường hợp, hợp đồng hôn nhân phát huy hiệu quả nhất định. Tuy vậy, để bản hợp đồng này đi vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng thì nên coi nó là điều khoản kèm theo của giấy đăng ký kết hôn. Bởi, hợp đồng hôn nhân không chỉ đề cập đến quyền lợi, tài sản cửa hai bên mà nó còn có thể chứa đựng những vấn đề thường nhật trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, để các bên có trách nhiệm cùng chăm sóc con cái tốt hơn… 

Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú