Khóc cười chuyện ở chung

ANTĐ - Giữa Thủ đô đông đúc, có không ít gia đình vẫn sống chung tam – tứ đại đồng đường trong những không gian chật chội, bức bối. Những chuyện khóc cười, rắc rối cũng từ đó mà nảy sinh. 

Do khoảng cách giữa các thế hệ nên việc xếp 
3-4 thế hệ ngồi cùng một mâm, ăn chung một món thì rất khó hòa hợp

Ế vợ vì sống chung

Anh Nguyễn Minh Đức (37 tuổi) sống trong ngõ nhỏ ở Phúc Xá (Ba Đình) với đại gia đình. Diện tích đất có 30m2, xây lên 3 tầng 1 tum, lúc nào cũng náo loạn vì có quá nhiều thế hệ chung sống. Ngoài ông bà, bố mẹ, nhà anh còn có thêm 1 bà cô đã ngoài 50 tuổi không lập gia đình về sống cùng. Ba năm trước đây, chị gái anh ly hôn nên dẫn thêm 2 cậu con trai về sống cùng bố mẹ. Cả đại gia đình 9 người 4 thế hệ lúc nào cũng ồn ào như chợ vỡ. Cho dù nhiều lúc đau đầu nhưng gia đình anh toàn người lao động phổ thông, tiền kiếm được chỉ đủ ăn, việc mua nhà tách ra là giấc mơ xa vời. 

Anh Đức khá hơn, học xong đại học, kiếm được công việc văn phòng nhưng lương tháng cũng chỉ 5 triệu đồng, đủ tiền ăn trưa, điện thoại, xăng xe và thi thoảng đi chơi với bạn bè. Hơn nữa, anh là con trai duy nhất, bố mẹ anh đương nhiên không thể cho vợ chồng anh ra ở riêng. Do hình thức sáng sủa nên anh Đức có khá nhiều bạn gái thích. Tuy nhiên, cứ sau khi dẫn về ra mắt gia đình, người yêu anh lại lấy cớ “biến mất”. Gần đây nhất, tuy đã biết về hoàn cảnh, đã được lên giây cót tinh thần nhiều lần nhưng đến thăm nhà người yêu xong, cô người yêu tên Mai vẫn thở hắt ra, nói thẳng với anh Đức: “Em có thể yêu anh chứ nghĩ đến cảnh làm dâu trong gia đình anh, em không kham được”. Khi Đức dẫn Mai về nhà, mẹ Đức bảo đã thu xếp phòng riêng cho hai vợ chồng trên tum tầng 4, tha hồ tự do “hoạt động”. Nghĩ đến cảnh tối tối leo lên tầng 4, ngắm sao, lại leo xuống đủ 3 tầng để làm lễ hiếu với cả nhà, Mai cũng toát mồ hôi hột. Cho dù Đức hứa hẹn sẽ tách ra ở riêng nhưng Mai vẫn đành nói lời chia tay. 

Rối như canh hẹ      

   

Bữa cơm của gia đình bà Trần Thị Canh (Đông Anh, Hà Nội) hôm nào cũng tanh bành như trận chiến. Gia đình bà có tới 13 người: Mẹ chồng đã 93 tuổi, vợ chồng bà cùng vợ chồng 2 con trai và 5 đứa cháu nội cùng cô con gái út chưa lập gia đình. Nhà tương đối rộng rãi, mỗi con cũng được 1 phòng riêng, tuy nhiên, chỉ làm ruộng, chạy chợ thì khó lòng mà đủ tiền mua nhà chỗ khác nên đành sống chung. Các con cũng muốn ở cạnh bố mẹ để ông bà còn trông giúp con cái. Nhưng mỗi ngày, bà Canh phải chuẩn bị bữa ăn một cách khổ sở, chỉ riêng thịt đã phải chế biến làm 3 -4 món. Mẹ chồng già, bà phải kho tàu thật nhừ. Chồng và con trai lại thích rán. Các con dâu thích luộc cho đỡ mỡ, còn các cháu nhỏ lại phải băm nhỏ. Món canh cũng người thích ăn canh cua, người chỉ thích rau luộc, nước sấu. Bà chỉ chiều được một thời gian, sau đó chỉ chế biến đơn giản 2-3 món. Vậy là con dâu lại tự mua thêm 2-3 món khác để hợp khẩu vị, chiều chồng con. Đến bữa, chén bát bày ra la liệt, nhìn cũng thấy phát ốm. Rồi lịch sinh hoạt cũng lộn xộn. Mẹ chồng bà và các cháu phải ăn sớm, con dâu về muộn hơn ăn một lượt, các con trai lại về giờ khác… Thế là mâm cơm cứ phải dọn lên 3-4 lần, bát đũa phải rửa cũng nhiều hơn. 

Mẹ chồng bà Canh thích yên tĩnh, trong khi các cháu lại ồn ào. Mỗi lần như thế, cụ lại ca cẩm, mắng chửi. Hai cô con dâu của bà cũng thường xuyên chí chóe, tị nạnh vì người này không quét nhà, người kia lười rửa bát. Cuối cùng, bà đành vay tiền, chia đất, xây cho mỗi con trai 1 căn nhà nhỏ, sống chung cùng ngõ mà ăn ở riêng. Như vậy, ông bà vẫn trông coi được các cháu mà các gia đình không va chạm. “Ngày xưa cha mẹ chồng tôi có 6 con, sau có dâu, có rể, các cháu lên đến hơn 20 người mà vẫn ăn chung. Mẹ chồng tôi điều hành mọi việc nhẹ tênh, sao bây giờ khó thế” – bà Canh cho biết. 

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích, ngày trước, trong xã hội nông nghiệp, cả gia đình đều làm nghề nông, ai cũng như ai, cùng thu nhập, cùng nếp sinh hoạt nên việc lao động chung, ăn chung đều giống nhau, không gây mâu thuẫn. Tuy nhiên hiện nay, chỉ riêng việc mỗi người một nghề đã đủ khiến lịch sinh hoạt lộn xộn. Thu nhập khác nhau cũng khiến sở thích, nhu cầu khác nhau, đòi hỏi mức sống khác nhau. Đó là chưa kể khoảng cách thế hệ, việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi đều khác. Do đó, nếu xếp cả 3-4 thế hệ, 3-4 cặp vợ chồng vào cùng một “rọ”, ép cùng một mâm, bắt ăn cùng món, xem cùng kênh thì rất khó hòa hợp. 

“Mâu thuẫn chủ yếu trong các gia đình tam tứ đại đồng đường hiện nay vẫn là kinh tế, rồi đến ứng xử, phân công công việc, nuôi dạy con cái, tệ nạn xã hội… Ngoài ra, do sự biến đổi tới chóng mặt của công nghệ nên giữa các thế hệ đã xảy ra sự cách biệt lớn về suy nghĩ, kỹ năng sống. Ông bà không thể chịu đựng nổi thứ âm nhạc “phường chèo” của các cháu, bố mẹ không thích nghi được cách ăn mặc của con hoặc con lại thấy ông bà “ẩm ương”, bố mẹ lạc hậu... Việc dạy con, dạy cháu cũng khó hòa hợp. “Vì thế nếu không có điều kiện để tách ra sống riêng thì cha mẹ cần phải là người cầm trịch thật tốt, giữ nền nếp gia đình ổn định thì mới hạn chế được mâu thuẫn. Với con cái vừa phải nghiêm khắc, vừa đối xử công bằng” - ông Hòa cho biết.