Nhiếp ảnh nghệ thuật:

“Khoảnh khắc lu mờ, kỹ xảo lên ngôi”

ANTĐ - Đó là nhận định của nhiếp ảnh gia Vũ Nhật - Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Hà Nội. Nhiều tay máy bây giờ dường như mải chạy theo xu hướng dùng kỹ thuật, kỹ xảo mà “bỏ rơi” yếu tố “khoảnh khắc” - vốn làm nên đời sống của một tác phẩm ảnh nghệ thuật. Điều này đã gây lúng túng cho những người khi phải ngồi vào ghế Hội đồng thẩm định.  

Bức ảnh ghép gần như “đánh lừa” được những nhà chuyên môn

“Chế” lại khoảnh khắc

Đời sống nhiếp ảnh ở Việt Nam đang khá sôi động, nếu nhìn vào tần suất của các cuộc thi ảnh lớn nhỏ được tổ chức hàng năm, với sự tham gia đông đảo của các tay máy từ chuyên đến không chuyên. Nhưng có một thực tế là tính chân thực của những tác phẩm ảnh đang ngày càng bị hoài nghi, nhất là khi công nghệ kỹ thuật số lên ngôi. Nhà nhiếp ảnh Vũ Nhật lấy dẫn chứng, có người đã tạo khoảnh khắc hai con dê qua cầu cùng lăn tòm xuống nước, hoặc cảnh đua bò quyết liệt ở An Giang, nhưng thực chất bối cảnh lại ghép ở… Lâm Đồng. Khi đã coi photoshop là thủ pháp chính,  dùng nó để “chế tác” ảnh thì làm sao có thể gọi là ảnh “khoảnh khắc”! Đồng ý với nhận định này, nhiếp ảnh gia kỳ cựu Hà Tường thẳng thắn, trong khi có những người phải đổ mồ hôi, công sức để chớp lấy một khoảnh khắc đẹp vào ống kính thì không thể chấp nhận người ngồi nhà mà vẫn có thể có ảnh đẹp. Sự thiếu sáng tạo đang khiến một bộ phận những người cầm máy ngộ nhận về giá trị những tác phẩm của mình và dần đi vào lối mòn. “Đi xem nhiều cuộc triển lãm thấy ruộng bậc thang đẹp, nhưng cái nào cũng na ná như nhau” - ông chia sẻ. 

Mặt khác, theo nhiếp ảnh gia Xuân Liễu - Nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, do chưa định nghĩa và đánh giá đúng tầm vóc của ảnh nghệ thuật, nên chúng ta chưa tìm ra được những bức ảnh nghệ thuật có giá trị sâu sắc về nội dung và phương thức biểu hiện để tôn vinh, dù rất nhiều cuộc triển lãm được mở ra. Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội Đặng Đình An thừa nhận, nhiều cuộc triển lãm không gây được ấn tượng mạnh với người xem và nhà chuyên môn, để bước ra khỏi triển lãm họ thường buông lửng một câu “Không có gì mới”. Dù thấy như vậy là bất công cho công sức đầu tư và sáng tạo nghệ thuật nhưng không thể phủ nhận, nói như vậy là đúng. Bởi thực tế cho thấy, ảnh nghệ thuật trong thời gian qua vẫn quanh đi quẩn lại với những mô tuýp quen thuộc, và các tác giả vẫn băn khoăn không biết làm sao để vượt qua sự tầm thường của một bức ảnh ghi chép.

Nhiếp ảnh rất cần những khoảnh khắc 

“Chật vật” thẩm định

Không chỉ làm chất lượng ảnh đi xuống, sự lạm dụng những kỹ thuật, kỹ xảo trong nhiếp ảnh cũng đang là thực tế gây đau đầu các nhà chuyên môn. Từng ngồi vào vị trí giám khảo của cuộc thi ảnh về đề tài miền núi phía Bắc, bà Đoàn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ một trường hợp gây tranh cãi. Có tác giả gửi ảnh đến dự thi, bức ảnh hoàn hảo đến mức… khó tin. Kể cả khi yêu cầu tác giả gửi đến file ảnh gốc thì những người thẩm định vẫn không thể nào xác minh chính xác, đây là ảnh thật hay có sự can thiệp của kỹ xảo.

Quyết tìm ra cho bằng được sự thật, phải mất 3 ngày phân tích tìm hiểu, thẩm định bằng nhiều phần mềm mới phát hiện ra đây chính là ảnh ghép từ ba bức ảnh, với những thủ thuật nhuần nhuyễn và khéo léo. Ở một góc độ khác, theo nhiếp ảnh gia Việt Tiến, Ban Lý luận – phê bình, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, mặc dù mấy năm trở lại đây chúng ta đã có những cuộc thi dành riêng cho thể loại ảnh kỹ xảo nhưng nó vẫn còn khá mới mẻ với hầu hết những người “cầm cân nảy mực”. Việc “thấu ruột gan” một tác giả, không chỉ để xác định thật giả, mà còn để thẩm định chất lượng ảnh một cách chính xác, công tâm nhất thì ngay cả những nghệ sỹ tài năng, kinh nghiệm ngồi vào vị trí giám khảo dường như là việc không thể có được. Đó là điều khiến cho các cuộc thi ảnh luôn kết thúc bằng nhiều tranh cãi. 

Thực tiễn cuộc sống rất cần những khoảnh khắc trung thực, độc đáo, đậm chất nhân văn, khái quát điển hình cao. Xin dẫn lời của nhiếp ảnh gia Vũ Nhật: “Tác phẩm mang hơi thở cuộc sống bao giờ cũng được công chúng đón nhận trân trọng vì tính trung thực và nội dung sâu sắc. Khi ảnh khoảnh khắc ngày một lu mờ thì ảnh kỹ thuật kỹ xảo đang lên ngôi. Thật đáng buồn khi nhiếp ảnh mất đi tính khoảnh khắc”.