Khoảng 80% thí sinh vượt ngưỡng điểm sàn CĐ, ĐH

ANTĐ - Mức điểm sàn tối thiểu CĐ, ĐH vừa được công bố đảm bảo cho mùa tuyển sinh năm nay dôi dư lượng thí sinh đầu vào khi có khoảng 650.000 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển. 

3 mức điểm sàn được cho là tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường

Nguồn tuyển gấp đôi chỉ tiêu

Ngày 8-8, Thứ trưởng Bộ  GD-ĐT Bùi Văn Ga đã chính thức công bố 3 mức điểm sàn ĐH và điểm sàn CĐ kỳ tuyển sinh 2014. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, thí sinh nên hiểu đúng khái niệm các mức điểm sàn năm nay. Theo đó, điểm sàn không phải là điểm trúng tuyển mà chỉ là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Từ mức điểm này các trường sẽ xác định điểm chuẩn, thí sinh đạt điểm chuẩn mới trúng tuyển.

Mặc dù năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm 20% nhưng số lượng thí sinh đưa vào dự liệu để hình thành phổ điểm tương đương như năm 2013 (1.050.000 thí sinh). Căn cứ trên kết quả thi của thí sinh, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào gồm 3 mức điểm sàn. Cụ thể, mức điểm sàn 3 đối với khối A, A1, C, D là 13,0 điểm; khối B là 14,0. Mức điểm sàn 2 cao hơn điểm sàn 3 là 1 điểm nghĩa là A, A1, C, D ở mức 14,0 điểm; khối B 15,0 điểm; Mức điểm sàn cao nhất đối với khối A, A1, C, D là 17,0; khối B - 18,0. Với mức điểm sàn 3 (mức điểm sàn tối thiểu) thì số thí sinh đạt khoảng 65%. Nghĩa là, khoảng 650.000 thí sinh đạt và chỉ tiêu ĐH khoảng 350.000. Như vậy nguồn tuyển lấy gần gấp đôi. Mức điểm sàn cao nhất chỉ phù hợp với khoảng 20-25% thí sinh để có thể cạnh tranh vào những trường ĐH hàng đầu. Hệ cao đẳng năm nay mức điểm được giữ nguyên như những năm trước và chỉ có một mức điểm. Theo đó, khối B là 11 điểm, các khối còn lại (A, A1, C, D) là 10 điểm. 

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ    GD-ĐT cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, các trường ĐH, CĐ sẽ xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển vào trường và các ngành đào tạo cụ thể. Tất cả các trường đều phải công bố điểm trúng tuyển trước 20-8-2014.

Phân khúc tuyển sinh bằng 3 mức điểm sàn

Trả lời phóng viên ANTĐ về việc có bao nhiêu thí sinh đủ điều kiện xét tuyển với các mức điểm sàn nói trên, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ không công bố con số cụ thể mà chỉ có tỷ lệ phần trăm. Cũng theo ông Trinh, các trường căn cứ vào chỉ tiêu, vào số lượng thí sinh dự thi, vào kết quả thi của thí sinh để có sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với nguyện vọng 1, còn các nguyện vọng 2, 3 trường chỉ có thể biết kết quả của thí sinh đăng ký vào trường mình sau khi công bố ngưỡng xét tuyển. Việc xác định ngưỡng xét tuyển cần được cân nhắc kỹ căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó dựa vào số lượng thí sinh đạt các mức sàn khác nhau để đảm bảo nguồn tuyển. 

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc đưa ra 3 mức điểm sàn khác nhau nhằm phân khúc nguồn tuyển. Các trường nhóm trên chọn mức điểm cao nhất, trường trung bình chọn mức 2 và trường mới thành lập, đang phát triển, chưa có sức hút chọn mức thấp nhất. “Các năm trước, khi chỉ có một mức điểm sàn đã xảy ra tình trạng các trường nhóm trung bình vẫn để điểm chuẩn rất thấp nhằm tạo sự an toàn cho mình trong việc đảm bảo số lượng tuyển sinh. Việc này gây rủi ro cho thí sinh khi chưa cân nhắc kỹ ở nguyện vọng 2, 3 đồng thời khiến cho các trường nhóm dưới cạn nguồn tuyển” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích.

Năm nay, với 3 mức sàn, các trường sẽ phải cân nhắc vì chọn điểm chuẩn ở mức nào để khẳng định chất lượng, thương hiệu của trường ở mức tương ứng. Hoặc là trường lấy điểm chuẩn thấp, đảm bảo số lượng thí sinh nhưng hạ uy tín, hoặc là chọn uy tín để tạo thương hiệu, thu hút thí sinh chất lượng ở những năm tiếp theo. 

Điểm chuẩn một số trường ĐH, CĐ 


Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra 3 mức điểm sàn, chiều 8-8, ĐH Xây dựng Hà Nội đã xác định điểm trúng tuyển với khối A, A1 theo khối thi; khối V theo ngành thi. Theo đó, khối A: 17 điểm; Khối A1: 20 điểm; Khối V Kiến trúc: 26 điểm; Ngành Quy hoạch: 18,5 điểm. Trong đó, ngành Kiến trúc: Toán, Vẽ Mỹ thuật lấy hệ số 1,5; Lý lấy hệ số 1. Riêng ngành Quy hoạch vùng và đô thị các môn thi không nhân hệ số. 

ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn khối ngành Kỹ thuật Cơ khí-Cơ điện tử-Nhiệt lạnh: khối A 21,5 điểm, khối A1 21 điểm; Điện-TĐH-Điện tử-CNTT-Toán tin: khối A 23,5 điểm, khối A1 23 điểm; Hóa-Sinh-Thực phẩm-Môi trường: khối A 20,5 điểm; Vật liệu-Dệt may-Sư phạm kỹ thuật: khối A 18 điểm, khối A1 18 điểm; Vật lý kỹ thuật-Kỹ thuật hạt nhân: khối A 20 điểm, khối A1 20 điểm; Khối ngành Kinh tế-Quản lý: Khối A 18 điểm, khối A1 18 điểm và khối D1 18 điểm. Ngành Ngôn ngữ Anh: Điểm chuẩn khối D1 với môn tiếng Anh nhân hệ số 2. Tiếng Anh khoa học-kỹ thuật và công nghệ: 26 điểm; Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế, IPE: 26 điểm. Khối ngành Công nghệ kỹ thuật Công nghệ cơ khí-cơ điện tử-ôtô: khối A 18 điểm, khối A1 18 điểm; Công nghệ TĐH-Điện tử-CNTT: khối A 19 điểm, khối A1 19 điểm; Công nghệ Hóa học-Thực phẩm: khối A 18 điểm. Đối với thí sinh dự thi liên thông từ cao đẳng lên đại học, điểm chuẩn dự kiến là 16 điểm cho cả 2 khối A và A1. Đối với các thí sinh đã đăng ký nguyện vọng bổ sung học các chương trình đào tạo quốc tế thuộc Viện Đào tạo quốc tế (SIE) của trường, mã QT1-QT9, điểm chuẩn dự kiến là 15 điểm cho cả 3 khối A, A1 và D1.     

Tin cùng chuyên mục