Khoảng 200 tấn vải thiều sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản

ANTD.VN - Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả vải thiều Việt Nam đã vượt qua những tiêu chuẩn kiểm dịch khắt khe của thị trường Nhật Bản và dự kiến xuất khẩu khoảng 200 tấn vải tươi vào thị trường này trong năm nay.

Quả vải thiều Việt Nam có mặt tại siêu thị của Nhật Bản

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, trong ngày 19-6, 1 tấn vải đầu tiên đã xuất đi Nhật bằng đường hàng không. Gần 4 tấn vải còn lại (trong tổng số 5 tấn của ngày 18-6) sẽ đi bằng đường biển. Dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay.

Để tăng cường xuất khẩu loại trái cây này vào Nhật Bản, thương vụ đã và đang phối hợp với một số đầu mối nhập khẩu của Việt Nam như: AEON, VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm… và đầu mối xuất khẩu của Việt Nam như: Công ty Red Dragon, Chánh Thu, Ameii… để xúc tiến xuất khẩu.

Thị trường Nhật Bản yêu cầu kiểm dịch thực vật rất khắt khe với trái cây nhập khẩu. Theo đó, quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản;

 Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản; Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Từ năm 2014, các Bộ, ngành của Việt Nam đã bắt đầu đàm phán để xuất khẩu vải thiều sang Nhật và đến năm 2019, thị trường này mới mở cửa với vải thiều của Việt Nam.

Tại Nhật Bản, quả vải được Hiệp hội nhập khẩu hoa quả của Nhật Bản giới thiệu như là một loại quả có giá trị. Nhật Bản nhập khẩu vải thiều từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ (theo thống kê của Bộ Tài chính năm 2013), trong đó, nhiều nhất là từ Trung quốc khoảng 256 tấn (chiếm khoảng 60%), Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 127 tấn (chiếm khoảng 30%), Mexico là 29,7 tấn, Hoa Kỳ khoảng 1,3 tấn.