Khoai tây Trung Quốc nhiễm chất diệt mối: Kiểm dịch cửa khẩu để lọt

ANTĐ - Hơn 25 tấn khoai tây hồng Trung Quốc đội  lốt khoai Đà Lạt đã bị cơ quan chức năng địa phương tiêu hủy do phát hiện chất độc hại Chlorpyrifos vượt mức dư lượng tối đa cho phép đến 16 lần. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên khoai tây Trung Quốc bị phát hiện tồn dư chất độc hại. 

Khoai tây hồng Trung Quốc được nhập qua cửa khẩu Lào Cai

Nhiễm chất diệt mối vượt mức 16 lần

Ngày 10-6, tổ kiểm tra liên ngành TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phát hiện tại kho hàng của bà Nguyễn Thị Nguyệt (44 tuổi) ở khu Hòn Bồ, P.12 có 52 tấn gồm khoai tây vàng và hồng. Dù các lô hàng có giấy tờ nhập khẩu hợp lệ, có giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra ATTP do Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh - Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cấp ngày 20-5 nhưng các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt vẫn lấy mẫu 2 lô khoai tây trong kho của bà Nguyệt đi kiểm nghiệm.

Kết quả phân tích từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho thấy, lô khoai tây hồng 26 tấn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể hoạt chất Chlorpyrifos (một hóa chất dùng để diệt mối) trong mẫu khoai tây vượt ngưỡng gấp 16 lần. Từ kết quả kiểm nghiệm trên, Chi cục BVTV Lâm Đồng kết luận mẫu khoai tây hồng trên không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó UBND TP Đà Lạt quyết định tịch thu tiêu hủy 26 tấn khoai tây hồng này vào ngày 15-6. Chi cục BVTV Lâm Đồng đang đề nghị Chi cục BVTV TP Hồ Chí Minh đến chợ đầu mối Thủ Đức lấy mẫu khoai tây vàng do bà Nguyệt đã bán cho các vựa để kiểm nghiệm phân tích dư lượng thuốc BVTV.

Theo chứng từ, số khoai tây trên bà Nguyệt nhập về chỉ với giá 3.344 đồng/kg. Hiện nay, khoai tây Đà Lạt đã hết vụ thu hoạch, nếu có khoai trái vụ sẽ có giá 15.000 đồng/kg, khoai Đà Lạt dự trữ lâu ngày có giá từ 18.000-22.000 đồng/kg. Do đó, các tiểu thương ở Đà Lạt mua khoai Trung Quốc với giá 9.000-10.000 đồng/kg, sau đó nhuộm màu đất đỏ để “tái sinh” thành khoai tây Đà Lạt bán về các tỉnh và TP Hồ Chí Minh với giá từ 15.000 đồng/kg trở lên. 

Trao đổi về việc này, bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng trạm kiểm dịch Tân Thanh - Lạng Sơn khẳng định: “Các tiểu thương thường nhập khẩu khoai tây Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh và Lào Cai.  Tuy nhiên, tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ nhập giống khoai vỏ vàng, ruột vàng. Còn khoai tây vỏ hồng, ruột hồng được nhập qua cửa khẩu Lào Cai. Lâu nay, không có lô hàng khoai tây vỏ hồng, ruột hồng nào được nhập qua cửa khẩu Tân Thanh”. Cũng theo bà Bế Thị Thu Hiền, ngay sau khi nhận được thông tin trên, Trạm kiểm dịch cửa khẩu Tân Thanh đã xác minh, kết quả bước đầu cho thấy, bà Nguyệt thu mua lô hàng khoai tây trên từ nhiều nguồn như qua cửa khẩu Lào Cai, Tân Thanh, qua cảng biển Sài Gòn.

Theo thông tin, hiện nay, có hai công ty được nhập là Công ty TNHH quốc tế Anh Quân (Hà Nội), khập khoai tây vỏ vàng, ruột vàng qua cửa khẩu Tân Thanh và Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Vân Linh (Lào Cai), nhập khoai tây vỏ hồng, ruột hồng qua cửa khẩu Lào Cai. “Các lô khoai tây nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh đều được lấy mẫu kiểm tra nhưng chưa phát hiện có hoạt chất Chlorpyrifos”, bà Bế  Thị Thu Hiền cho hay.

Kiểm soát lỏng lẻo

Việc phát hiện dư lượng thuốc vượt ngưỡng cho phéo tới 16 lần khiến người tiêu dùng cả nước hoang mang, bởi khoai tây Trung Quốc được bán rất phổ biến. Tại Hà Nội, hàng đêm, lượng khoai tây Trung Quốc đổ về các chợ đầu mối như Long Biên, Bắc Qua là rất lớn, nhất là hiện nay, không phải vụ khoai tây Việt Nam. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, ở Hà Nội, người dân ưa chuộng loại khoai tây vỏ vàng, ruột vàng hơn khoai hồng. Thực chất, khoai tây Trung Quốc chất lượng ngon hơn, mẫu mã đẹp hơn khoai tây Việt Nam. “Khoai tây Trung Quốc được trồng trên đất đỏ Bazan, giàu chất dinh dưỡng, phù hợp với loại cây này. Vì vậy, chất lượng ngon hơn, củ to, màu sắc vàng bóng hơn khoai tây Việt Nam”. Còn tại Đà Lạt, bà Bế Thị Thu Hiền cho hay, do người dân khu vực này không thích sử dụng khoai Trung Quốc nên các lái buôn thường mua khoai tây vỏ vàng, ruột vàng của Trung Quốc về “nhuộm” thành khoai tây hồng rồi gắn mác khoai Đà Lạt.

Không phải bây giờ, khoai tây Trung Quốc mới khiến người tiêu dùng lo lắng, trước đó, vào giữa năm 2012, Cục BVTV cũng đã phát hiện khoai tây Trung Quốc nhập qua cảng Sài Gòn có chứa hoạt chất Chlorpyrifos vượt mức giới hạn tối đa cho phép từ 3-5 lần. Ngay sau đó, Cục này cho biết, đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về ATVSTP đối với sản phẩm này. 

Tuy nhiên, sự việc trên cho thấy, sự kiểm soát nguy cơ mất ATVSTP đối với một số nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chưa được chặt chẽ.  Tại sao, lô hàng khoai tây Trung Quốc tại TP Đà Lạt bị phát hiện có tồn dư chất độc hại vượt ngưỡng đến 16 lần, nhưng kiểm dịch cửa khẩu Tân Thanh lại không phát hiện ra? Phải chăng, kiểm dịch cửa khẩu mới làm tốt khâu cấp phép nhập khẩu nhưng việc hậu kiểm chất lượng không có hoặc làm chiếu lệ?