"Khóa sổ" gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng: Không đẩy "người khó gặp thêm khó"

ANTĐ - Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ “gói” lại vào ngày 31-5-2016. Thực tế, với nhiều lần điều chỉnh đối tượng, mức độ ưu đãi và thời gian ổn định lãi suất vay, sau 3 năm triển khai, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được dư luận hoan nghênh và đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường bất động sản; giúp gần 50.000 hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở có điều kiện cải thiện nhà ở. 

"Khóa sổ" gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng: Không đẩy "người khó gặp thêm khó"  ảnh 1Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được dư luận hoan nghênh và tạo ra những tín hiệu tích cực

Theo Bộ Xây dựng, tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỷ đồng (trên 98%), đã giải ngân trên 20.300 tỷ đồng (gần 70%). Với tiến độ giải ngân như các tháng gần đây, dự kiến đến 1-6-2016, sẽ giải ngân được khoảng 85% và cuối năm 2016 sẽ giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, nguồn cung nhà xã hội không thể xuất hiện chỉ sau một đêm, khi mà trước đó cả thập kỷ bị “bỏ rơi”.

Người vay ai cũng muốn được vay và giải ngân nhanh, nhưng lộ trình nộp tiền mua nhà còn theo cơ cấu sản phẩm phù hợp sẵn có trên thị trường, cũng như kế hoạch đóng tiền dự án mà chủ đầu tư áp đặt cho người mua và thời gian xây dựng công trình. Việc người mua bị “đứt gánh giữa đường” sẽ có thể buộc phải vay tiếp theo lãi suất thương mại, gây quá sức chịu đựng hoặc có thể “bỏ cuộc”, dẫn tới hậu quả chung là làm tăng nguy cơ mất khả năng thanh toán, vỡ nợ cá nhân và kéo theo gánh nặng nợ xấu cho bản thân ngân hàng (chủ nợ) và dang dở dự án xây dựng đang triển khai...

Vì vậy, một kết thúc có hậu cho gói này là cần thiết theo 3 cách thức sau: 

Thứ nhất, đơn giản là kéo dài thời hạn gói này thêm 1 năm nữa để giải ngân trọn vẹn 100% vốn trên thực tế.

Thứ hai, NHNN cho phép và buộc các ngân hàng thương mại phải giải ngân tiếp các hợp đồng vay vốn đã ký trước 30-6, dù việc giải ngân thực tế theo lộ trình vay có thể chậm sau ngày đó, nghĩa là, thực hiện yêu cầu khách hàng được cam kết giải ngân theo lãi suất của gói hỗ trợ và hết tổng vốn được vay như hợp đồng đã ký, mà không bị ảnh hưởng nếu giải ngân chậm sau 1-6-2016.

Thứ ba, nếu vẫn buộc “khóa sổ” gói 30.000 tỷ đồng, cần cho phép chuyển phần chậm giải ngân sau ngày 1-6 sang gói hỗ trợ mới được xây dựng và khai trương tới đây theo tinh thần hỗ trợ tín dụng thường xuyên cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Hay, nói như Bộ Xây dựng thì NHNN cần hướng dẫn giải quyết cho các khách hàng vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đã được cam kết cho vay vốn ưu đãi, mà chưa giải ngân hết thì được tiếp tục vay vốn ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-NHNN từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất.

Cả 3 cách thức trên đều hướng tới một kết thúc có hậu để ích nước, lợi nhà và không đẩy “người khó gặp thêm khó”, tránh “cái sảy nẩy cái ung” khi tiếp cận dở dang gói hỗ trợ này, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp có điều kiện tạo lập nhà ở.