Khó xử lý tồn đọng về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc xử lý tồn đọng về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế các năm trước khá phức tạp do một số cơ sở khám chữa bệnh vượt quỹ, vượt trần, áp sai giá...
Người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo Chính phủ về vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nội dung báo chí phản ánh về việc Bảo hiểm y tế đang "treo" hơn 1.600 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh.

Đề cập đến tình hình xử lý các chi phí chưa được quyết toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện nay, tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do cơ sở khám chữa bệnh mới bổ sung hồ sơ, xác định căn cứ thanh toán hoặc Bộ y tế mới có văn bản hướng dẫn các địa phương tiếp tục đề nghị thanh toán bổ sung năm 2021, 2022 là 1.601 tỷ đồng.

Chi phí vượt dự toán năm 2018 còn lại chưa được thanh toán là 510 tỷ đồng. Chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2019, 2022 đề nghị xác định lại là 289 tỷ đồng...

Việc chậm xử lý, giải quyết đối với các chi phí này về phía địa phương là do hồ sơ gửi về Bảo hiểm xã hội Việt Nam chậm, không đầy đủ, không đúng quy định, cần sử đổi bổ sung nhiều lần (bản thuyết minh nguyên nhân vượt trần, vượt dự toán không đầy đủ, không rõ nguyên nhân khách quan, số liệu không thống nhất...) như các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Ninh Thuận, TP. HCM, Cần Thơ...

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do lượng hồ sơ gửi về cùng một thời điểm rất lớn, các chi phí đề nghị thanh toán hầu hết là các chi phí vượt dự toán còn lại sau khi đã xử lý lần 1 năm 2019, lần 2 năm 2020 do vậy cần xem xét kỹ lưỡng, phân tích đánh giá nguyên nhân; nhiều hồ sơ phải trả về để các địa phương thuyết minh bổ sung đúng quy định đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết.

Để có cơ sở giải quyết các chi phí nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với Sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để rà soát, thẩm định, xác định các chi phí đủ điều kiện thanh toán theo đúng quy định.

Đặc biệt, trong tháng 7, 8/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cử các đoàn công tác xuống trực tiếp các địa phương để hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, hướng dẫn xử lý đối với các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa quyết toán trước năm 2022.

Đến nay, sau khi có ý kiến của Bộ Y tế về chi phí của các cơ sở liên danh, liên kết, kết quả rà soát, thẩm định, các địa phương đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét đưa vào quyết toán 1.341 tỷ đồng, không thanh toán 260 tỷ đồng (trong tổng số 1.601 tỷ đồng).

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc xác định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để thanh toán với các cơ sở một cách chính xác, đúng quy định là rất phức tạp vì các chi phí này liên quan đến nhiều quy định về khám chữa bệnh, về mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế, phương thức thanh toán...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ y tế, Bộ Tài chính và các ngành liên quan tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung, sửa đổi các quy định còn thiết, vướng mắc bất cập để cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thuận lợi hơn trong việc sử dụng nguồn quxy Bảo hiểm y tế và đảm bảo quyền lợi của người khám chữa bệnh.