Khó xử lý đối tượng mua gom hóa đơn hợp thức hàng lậu

ANTĐ - Đó là thông tin đưa ra chiều 10-9 tại cuộc họp Ban chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (Ban chỉ đạo 389). Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm theo quy luật sẽ diễn biến rất phức tạp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo 389 yêu cầu quyết liệt chống buôn lậu hơn nữa, hạn chế chỉ báo cáo thành tích.

Quyết tâm chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm

Siết hàng lậu tại chợ đầu mối

Ông Vương Chí Dũng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 cho biết, so với năm 2013, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố giảm so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến ngày 25-8, lực lượng chức năng đã kiểm tra 27.061 vụ, xử lý 10.60 vụ, khởi tố hình sự 31 vụ đối với 34 bị can. Tổng số tiền phạt hành chính, thu ngân sách, tịch thu hàng hóa là 1.292,5 tỷ đồng, đạt 110% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, vì Hà Nội vừa là địa bàn tiêu thụ, vừa là nơi trung chuyển của hàng lậu, gian lận thương mại nên những tháng cuối năm nay, tình hình thị trường vẫn rất phức tạp. 

Theo Ban chỉ đạo 389, địa bàn trọng điểm để lực lượng chức năng chống buôn lậu dịp cuối năm là các chợ đầu mối lớn như: chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hà Vĩ (Thường Tín); chợ gia cầm giống Đại Xuyên, chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài… 

Ông Lâm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, dịp cuối năm, quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung xử lý hàng kém chất lượng tại chợ Đồng Xuân, xóa tụ điểm thuốc lá điếu tại khu vực Bờ Hồ. Bên cạnh đó, sẽ kiểm soát chặt hoạt động buôn bán tại các tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường… 

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng: “Cần phải rà soát hoạt động kinh doanh thực tế với doanh thu, thuế thu nhập doanh nghiệp” vì thực tế cho thấy, công tác quản lý còn lỏng lẻo. Ví dụ, cùng là hai chợ đầu mối lớn nhưng xã Ninh Hiệp với 1.900 hộ kinh doanh chỉ thu được 10 tỷ đồng trong năm 2013, trong khi đó, chợ Đồng Xuân với 2.300 doanh nghiệp nhưng lại thu được hơn 50 tỷ đồng tiền thuế là chưa hợp lý. 

Phối hợp kiểm tra, kiểm soát

Ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh: “Hàng lậu không “từ trên trời rơi xuống” nên cần phải kiểm soát gắt gao hơn nữa”. Lực lượng chức năng tại các địa bàn đều nắm rõ các tụ điểm tập kết hàng lậu cũng như thủ đoạn của các đối tượng vi phạm, nhưng họ có quan tâm xử lý hay không. Vì vậy, cần nâng cao ý thức trách nhiệm cho lực lượng làm nhiệm vụ, đồng thời phối hợp tốt để công tác này đạt hiệu quả cao hơn” - ông Nguyễn Công San nói. 

Nhấn mạnh vai trò của công tác hậu kiểm, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết: “Các hộ trong chợ Đồng Xuân đã ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả song lực lượng chức năng cần kiểm tra xem người kinh doanh có chấp hành đúng cam kết hay không. Trường hợp phát hiện vi phạm cần có  biện pháp xử lý đúng pháp luật”.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389, các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở. Cụ thể, các đối tượng buôn lậu chủ yếu là gom hàng tại biên giới, hợp thức hóa bằng chứng từ mua bán nội địa, hạ thấp giá mua bán, song, do sự thiếu chặt chẽ của chính sách, nên không xử lý được các đối tượng mua gom hóa đơn để hợp thức. Lực lượng chức năng kiểm tra nhiều xe hàng mà lái xe xuất trình được cả “mớ” hóa đơn chứng từ. “Biết giấy tờ này sử dụng quay vòng nhưng lực lượng chức năng không xử lý được” - ông Nguyễn Công San nói.