Khó xử lý các dự án thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

ANTD.VN - Chiều nay (22-9), Bộ Công Thương có buổi làm việc về việc xử lý 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ của ngành Công Thương.

Đạm Hà Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn

Nội dung đáng chú ý nhất trong báo cáo tóm tắt về tình hình và các giải pháp tập trung triển khai xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương là việc chưa có "lời giải" cho khối nợ nghìn tỷ tại các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Trong số 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, PVN có 5 dự án là: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất (BSR); Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).

Bộ Công Thương cho biết, đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, theo báo cáo của PVN, BSR, BSR-BF và PVOil, Nhà máy vẫn chưa vận hành sản xuất lại được.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một là do khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải để có thể vận hành 100% công suất thiết kế nên nhà máy chỉ có thể hoạt động ở mức 60% công suất thiết kế.

Hai là giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp nên các cổ đông BSR, PVOil lo ngại có thể rủi ro mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Ngày 29-6-2017, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện PVN, BSR, PVOil, BSR-BF và một số đơn vị liên quan xem xét tình hình thực tế tại nhà máy và đã có Công văn chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ ngày 1-1-2018.

"Đến nay đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia và 1 nhà đầu tư đã nộp Hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh. Theo kế hoạch, thời hạn các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất là đến 2-10-2017, sau đó BSR-BF sẽ tổ chức đánh giá lựa chọn nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt"- Bộ Công Thương cho biết.

Có 2 đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại Nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (Công ty Tín Thành).

Hiện PVN đang chỉ đạo các cổ đông (BSR, PVOil) và BSR-BF lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh.

Tương tự, với dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex), theo chỉ đạo của PVN, các đơn vị thành viên của PVN đã cử nhân sự đến hỗ trợ PVTEX rà soát đánh giá thực trạng nhà máy, thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng, đồng thời thành lập Tổ hỗ trợ về Kỹ thuật, Tài chính, Thương mại, Pháp lý… từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ PVTex chuẩn bị khởi động lại Nhà máy.

Tuy nhiên, dự án cũng rất khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại được.

Đối với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), trong 8 tháng đầu năm 2017, ngoài việc tiếp tục thi công đóng mới 2 tàu dịch vụ (chủ tàu Vietsovpetro), tàu Gas 1.200 m3 (chủ tàu Việt Xuân Mới), hoàn thiện sửa chữa tàu Côn Sơn, Chí Linh (phần thi công súc rửa tại Vũng Tàu), DQS đã nỗ lực tìm kiếm và bổ sung các đơn hàng từ các đơn vị trong và ngoài ngành.

Nhưng do giá các đơn hàng này không lớn (bình quân một đơn hàng chỉ đạt khoản 3 tỷ đồng) nên không thể bù đắp được phần doanh thu bị thiếu so với kế hoạch đã được PVN phê duyệt.

Ngoài các dự án của PVN, các dự án nghìn tỷ khác cũng đang dần hoạt động trở lại hoặc có phương án xử lý nhưng còn nhiều khó khăn. 

Tính đến 15-9-2017, 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất là: Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, kết quả sản xuất kinh doanh đã có những cải thiện đáng kể cả về doanh thu, sản lượng và mức độ thua lỗ.

Mặc dù vậy, trừ Công ty CP DAP – Vinachem đã có lãi thì 3 đơn vị còn lại vẫn còn lỗ do còn gặp rất nhiều khó khăn về: Giá nguyên liệu cao (giá than); giá sản phẩm thấp (giá Urê); nhiều chính sách chưa được áp dụng (sửa Luật thuế 71/2014/QH13).

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, đến nay Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy.

Đến nay, đã qua 2 lần tổ chức bán đấu giá, nhưng đều không thành công.

Bộ Công Thương dự kiến đến hết năm 2018 sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Và từ nay đến năm 2020, sẽ xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.

Trước đó, tại buổi làm việc sáng 22-9 của Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Công Thương, Tổ trưởng tổ công tác Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tới Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ này phải xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, không để kéo dài mãi được.