Khó xác định di sản ảnh Việt Nam

ANTĐ - Với chiều dài phát triển, nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại nhiều tác phẩm quý và mang nhiều giá trị giúp các thế hệ sau này hình dung được một thời kỳ lịch sử đã qua. Thế nhưng, điều lạ lùng là khi lục lại trong số những tác phẩm đang lưu giữ tại các bảo tàng, các hội nghề nghiệp và cá nhân các nghệ sỹ nhiếp ảnh thì đã không có một bức ảnh nào được các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này dám khẳng định 100% là di sản ảnh… 

Sự thật đau lòng 

Tác phẩm “Đưa bộ đội qua sông” của NSNA Đoàn Công Tính

“Di sản ảnh”, một khái niệm mới mẻ với các nghệ sỹ, với những nhà làm công tác quản lý và ngay cả với các chuyên gia nghiên cứu. Bởi từ trước tới nay, Việt Nam chưa có văn bản quy định thật rõ ràng về di sản ảnh và quyền lợi của nhà nhiếp ảnh được hưởng nếu sở hữu trong tay một bức ảnh được gọi là di sản ảnh. Thế nhưng, vấn đề về di sản ảnh chỉ thật sự bùng nổ và gây nhiều chú ý trong giới nhiếp ảnh nước nhà khi Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng Vương quốc Bỉ thực hiện đề án “Bảo tàng ảnh và Di sản ảnh”. Thế rồi, sau nhiều cuộc tranh luận, một định nghĩa tương đối chính xác và thống nhất về “Di sản ảnh” đã được đưa ra. Đó là bức ảnh đầu tiên hay còn gọi là ảnh gốc và mang nhiều ý nghĩa lịch sử và xã hội. 

Nhưng khi căn cứ vào định nghĩa này thì sự thật đau lòng về nhiếp ảnh Việt đã được bộc lộ. 

Nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa và rõ ràng rất quý hiếm như các bức ảnh do các nhà nhiếp ảnh Pháp chụp về Hà Nội, các bức ảnh do các nghệ sỹ Việt Nam ghi lại trong nhiều thời khắc lịch sử quan trọng của 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đều không thể gọi là di sản ảnh. Khó khăn lớn nhất là không ai dám chứng minh và khẳng định những bức ảnh đang lưu giữ là bức ảnh đầu tiên. Tuy hiện nay nhiếp ảnh Việt Nam có rất nhiều tác phẩm quý nhưng lại được lưu giữ tại nhiều bảo tàng, tại nhiều cơ quan và không nằm tập trung trong một bảo tàng chính quy - Bảo tàng ảnh. Thậm chí, ngay với Trung tâm Lưu trữ ảnh Quốc gia vừa thành lập tại Cầu Giấy, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã thẳng thắn thừa nhận “Trong kho lưu trữ của trung tâm, chúng tôi không dám khẳng định một bức ảnh nào là di sản ảnh mà chỉ dám coi là tư liệu ảnh”. 

Không chỉ căn cứ vào sự thật thà của các nghệ sỹ

Nếu như các nhà nhiếp ảnh nước ngoài rất ý thức được điều này và đều có chú thích rõ ràng bên dưới bức ảnh “Đây là phiên bản thứ bao nhiêu” thì ở Việt Nam, các nghệ sỹ nhiếp ảnh đã hoàn toàn bỏ qua điều này. Thế mới có chuyện, muốn khẳng định được bức ảnh này là di sản ảnh hay không hoàn toàn căn cứ vào sự thật thà của các nhà nhiếp ảnh. Nhưng như thế lại khó chấp nhận khi di sản ảnh là vấn đề mang tầm cỡ quốc gia, không thể lấy lời nói miệng để khẳng định giá trị của một bức ảnh. Và ngay từ bây giờ, các nhà nhiếp ảnh nên tạo lập thói quen ghi lại thật cụ thể từng phiên bản tác phẩm. 

Đồng nghĩa với sự thất bại trong xác định di sản ảnh, việc thành lập bảo tàng ảnh, nơi lưu giữ các bức ảnh gốc cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Và theo ông Vũ Quốc Khánh cho biết, “Đề án thành lập bảo tàng ảnh đã thực hiện từ 2 năm nay nhưng tôi thấy đề án sẽ còn cần thời gian và cần rất nhiều điều kiện nghiêm ngặt về địa điểm, điều kiện bảo quản tác phẩm, nguồn nhân lực và đặc biệt là kinh phí hoạt động”. Hơn thế, bảo tàng ảnh không phải nước nào cũng có nhưng nếu thành lập được, đó thực sự là một ý tưởng tốt đẹp, sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề tranh chấp bản quyền ảnh đã diễn ra tương đối phổ biến trong thời gian vừa qua. Còn Trung tâm Lưu trữ ảnh Quốc gia mới đi vào hoạt động đã bắt đầu tổ chức lưu trữ ảnh, nhận file của các nhà nhiếp ảnh, gia đình các nhà nhiếp ảnh đã mất. Như vậy, vấn đề di sản ảnh rất khó trở thành sự thật và ông Vũ Quốc Khánh cũng cho biết : “Không chỉ anh em nghệ sỹ mà ngay với tư cách người đứng đầu Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, tôi cũng thấy vấn đề này khó lắm”.