Khó vay vốn, doanh nghiệp nói ngân hàng độc quyền

ANTD.VN - Phía doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hiện nay vẫn rất khó khăn, và giá vốn quá cao. 

Đăng ký kinh doanh dễ nhưng điều kiện hoạt động còn rào cản

Diễn đàn "Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2017" diễn ra sáng nay (22-6) đã ghi nhận thêm những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, khiến đội ngũ này "không chịu lớn".

Ông Nguyễn Thế Điệp- Chủ tịch HĐQT công ty REENCO sông Hồng/ Phó chủ CLB Bất động sản Hà Nội cho hay, việc tiếp cận vốn rất khó khăn, đối với cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn.

"Dự án bất động sản cần nhiều vốn và thời gian vay dài, không doanh nghiệp nào tự đủ vốn đầu tư nên phải đi vay. Nhưng theo quy định, doanh nghiệp chỉ được vay ở các quỹ và ngân hàng. Chu kỳ bất động sản dài đến 10 năm nên doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng. Trong khi đó, nguồn kiều hối về Việt Nam mỗi năm về Việt Nam rất nhiều, nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận được. Nguyên nhân là còn độc quyền trong lĩnh vực ngân hàng, ngân hàng phải cơ cấu lại"- ông Nguyễn Thế Điệp nói.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, vì độc quyền nên giá vốn của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp quá cao, cần kéo thấp xuống để nâng cao sức cạnh tranh.

Cho rằng tiếp cận vốn khó khăn là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp hiện nay, ông Hồ Sỹ Hùng- Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đang dao động từ 7-9%/năm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, con số này chỉ là 4,3%/năm, Malaysia 4,6%/năm, Hàn Quốc 2-3%/năm. Như vậy, so với các nước, lãi suất tại Việt Nam quá cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và giảm sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lại không đồng tình với quan điểm này. Ông Vũ Đình Ánh cho rằng: "Thuế suất của tất cả các sắc thuế hiện nay là ổn vì lãi suất của Việt Nam là tính trên VND, còn các nước khác tính bằng ngoại tệ. Việc quản lý thuế cũng ổn, nhưng vấn đề nằm ở vấn đề thực thu thuế".

Theo ông Vũ Đình Ánh, vì còn bất cập ở thực thu thuế nên doanh nghiệp tìm cách "tránh" thuế. Thậm chí, có những doanh nghiệp hình thành bộ phận chuyên trách lo chuyện "tránh" thuế. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đặt ra mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có thể đạt được, nhất là khi thủ tục đăng ký kinh doanh đã đơn giản hơn nhiều, nhưng chất lượng doanh nghiệp vẫn sẽ là ẩn số. Bởi lẽ, các bộ, ngành vẫn giữ cơ chế xin- cho, vì còn có doanh nghiệp "xin" nên còn có người "cho".

Doanh nghiệp đang gặp nhiều rào cản và rủi ro, không phải từ thị trường, mà do các chính sách hiện có gây nên.