Khó trở thành mũi nhọn

ANTĐ - Đúng vào tháng cao điểm mùa du lịch, hội nghị giữa Chính phủ và 9 địa phương trọng điểm về du lịch đã họp bàn về định hướng phát triển ngành công nghiệp không khói trở thành kinh tế trọng điểm. Trong bối cảnh chỉ có vỏn vẹn 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam, làm thế nào để đến năm 2020 Việt Nam thành cường quốc du lịch?

Ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020 thu hút 14-15 triệu khách quốc tế, doanh thu trên dưới 30 tỷ USD, đóng góp 10% cho GDP, tạo việc làm cho khoảng 3,5 triệu người. Mục tiêu này liệu có quá cao, khó với tới hay không khi nhìn vào thực trạng và thực lực? Đại diện các địa phương có tiềm năng và thế mạnh về du lịch lại tỏ ra dè dặt khi cho rằng nếu không thay đổi tư duy và cách làm thì 5-10 năm tới du lịch khó thành kinh tế mũi nhọn, khó níu giữ chân du khách nước ngoài.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM thẳng thắn cho rằng, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tư duy ngành nào biết ngành ấy, thậm chí mạnh ai nấy làm. Tỉnh nào cũng muốn quảng bá, xúc tiến du lịch một vài di sản, danh thắng, trong khi hầu như không quan tâm tới dịch vụ, nơi lưu trú cũng như những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Khách háo hức đến thăm, ngắm nghía, chụp ảnh rồi đi, chẳng có gì để mua sắm, tiêu tiền và cũng chẳng có gì ấn tượng, lưu luyến để quay trở lại. Một di sản có khi nằm giữa nhiều tỉnh nhưng không có sự phối hợp, thống nhất trong liên kết vùng dẫn đến giẫm chân lên nhau, cạnh tranh khai thác. 

Một số công ty du lịch lớn và giới chuyên gia trong ngành nhận xét, đề án của ngành du lịch vẫn nặng về tài chính, tăng cường bộ máy, song nếu không thay đổi cách nhìn thì có tiền cũng chưa chắc thành ngành kinh tế mũi nhọn được. Đơn cử, Đại nội Huế một năm thu chưa đầy 5 triệu USD, trong khi Angkoa Wat của Campuchia mỗi năm thu 360 triệu USD. Vì sao du lịch Việt Nam lại “bèo bọt” đến vậy? Đó là chưa kể những “khuyết tật” như “chặt chém” du khách, tăng giá dịch vụ, gần đây là tình trạng hướng dẫn viên “chui” của Trung Quốc làm vẩn đục môi trường  biển du lịch miền Trung.

Vì sao ra nông nỗi này, ngành du lịch phải tự soi mình. “Tiên trách kỷ...”, nếu không thay đổi trong nhận thức, cách làm; nếu vẫn quá nặng việc lập kỷ lục này, quỹ kia thì 5 năm sau, ngành du lịch đầy tiềm năng vẫn chỉ là “mũi tù” chứ khó thành mũi nhọn được.